Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Quan thanh tra’ - hài kịch kinh điển ‘cười ra nước mắt’

Trên cương vị đạo diễn, NSƯT Chí Trung đã Việt hóa hài kịch kinh điển "Quan thanh tra" của nhà văn Nikolai Gogol thông qua việc đề cập đến nhiều vấn đề "nóng" được xã hội quan tâm.

Quan thanh tra là vở hài kịch đặc sắc nằm trong bộ sách tuyển chọn 100 tác phẩm kinh điển của sân khấu thế giới do NXB Sân khấu ấn hành. Tác phẩm ra đời vào năm 1835 nhưng còn nguyên giá trị thời sự trong xã hội hiện đại hôm nay. Nhà viết kịch lỗi lạc Nikolai Gogol đã phê phán, chế diễu mạnh mẽ những thói hư tật xấu của tầng lớp quan lại và cả giới trí thức, nhà buôn đương thời. Không trừ một ai, tất cả các nhân vật đều phản diện như hình ảnh của những con chuột - ăn vụng, nói xấu và phá hoại lẫn nhau.

Anh Tuấn (ngoài cùng bên trái) vào vai thị trưởng hách dịch Anton Antonovich. Ảnh: Khuê Tú

Trải qua gần hai thế kỷ với nhiều phiên bản sân khấu khác nhau, đến lượt mình, NSƯT Chí Trung quyết tâm dàn dựng một vở hài kịch cô đọng với nhiều nét đột phá. Quan thanh tra trên sân khấu của Nhà hát Tuổi trẻ gây ấn tượng với công nghệ ánh sáng dương âm như thông điệp về sự chân chính và giả dối trong mỗi con người.

Bối cảnh sân khấu tái hiện hình ảnh của những biến thự cổ kính với kiến trúc mái vòm đặc trưng của lâu đài thế kỷ 19 ở Nga. Biên đạo múa Lâm Yến và họa sĩ Doãn Bằng trùng ý tưởng với đạo diễn trong việc xây dựng một sân khấu gợi mở, từ lối ra, lối vào đến chiếc giường đều có chủ ý riêng.

Quan thanh tra quy tụ gần như toàn bộ diễn viên của Đoàn kịch I và II của Nhà hát Tuổi trẻ. Vai chính của tác phẩm - một gã công chức không tên tuổi lang thang đến một thị trấn miền Nam, rồi vô tình bị quan chức nơi đây lầm tưởng là quan thanh tra từ thủ đô Peterburg đi "vi hành" được Chí Trung giao cho Chí Huy. Nam diễn viên trẻ có nhiều phút xuất thần trên sân khấu và nhận được những tràng pháo tay ủng hộ từ hội đồng nghệ thuật và khán giả có mặt trong buổi tổng duyệt.

Vân Dung và Chí Huy trong một cảnh của vở hài kịch kinh điển. Ảnh: Khuê Tú

Nghệ sĩ hài nổi tiếng Vân Dung vào vai Anna Andreiepna, vợ của thị trưởng thành phố Anton Antonovich. Chị gây ấn tượng mạnh khi diễn tả thành công nét tính cách hóm hỉnh hài hước của nhân vật. Những biểu cảm sinh động thường thấy của Vân Dung được cho là ít phù hợp với chính kịch nhanh chóng trở thành lợi thế khi vào vai một người đàn bà lẳng lơ, yêu trai trẻ, sẵn sàng tranh cãi quyết liệt với con gái mình để tán tỉnh "quan thanh tra". Chia sẻ bên lề vở diễn, nữ nghệ sĩ cho biết chị rất hạnh phúc vì được hóa thân thành một nhân vật chính, xuất hiện từ đầu đến cuối vở diễn với nhiều trang phục đẹp và lộng lẫy.

Ngoài diễn xuất của Chí Huy, Vân Dung, các diễn viên khác của Nhà hát Tuổi trẻ cũng mang đến cho khán giả tiếng cười châm biếm sâu cay trong những tình huống trớ trêu trên sân khấu. Khắc họa những nhân vật bình thường đã khó, đây lại là những “nhân vật chuột”, đúng hơn là một đám chuột từ Chủ sự Bưu vụ, đến Chánh án hay Viện trưởng Viện tế bần. Các nghệ sĩ góp phần không nhỏ trong việc khắc họa thực trạng nước Nga thời điểm đó cũng như truyền tải những thông điệp mang ý nghĩa thời sự mà đạo diễn gửi gắm.

Trong tác phẩm, gã công chức quèn đã cầu hôn con gái thị trường trước khi trốn thoát. Ảnh: Khuê Tú

Với vai trò đạo diễn, NSƯT Chí Trung đã khéo lồng ghép những vấn đề "nóng" được xã hội quan tâm trong thời gian gần đây, đó chính là điểm đặc sắc nhất trong lần dàn dựng vở hài kịch quen thuộc này. Chuyện bỏ môn lịch sử bị dư luận phản đối, vấn đề thiếu giường bệnh tại các bệnh viện ở Việt Nam hay việc án oan sai ngày càng nhiều khiến người dân bức xúc được đề cập đầy hóm hỉnh mà không kém phần mạnh mẽ trên sân khấu kịch. Hơn cả vẫn là vấn đề tham nhũng, đó là thông điệp cốt lõi của Quan thanh tra và cũng là điều mà Chí Trung muốn chuyển tải trong vở kịch của mình.

Trong tác phẩm của Gogol, chính sự nhầm lẫn giữa một tay công chức quèn với một quan lớn thanh tra vô tình lật tẩy sự lo sợ, cuống quýt và sau nữa là hối lộ, mua chuộc, tố cáo lẫn nhau của những viên chức chuyên sách nhiễu người dân. Viên thị trưởng với mong muốn leo cao trên bậc thang quyền lực, thậm chí không ngại dâng cả con gái và vợ của mình. Tiền tài, vật chất, quyền lực đã che mờ lương tâm của những người được cho là "phụ mẫu" của nhân dân. Nhiều tình huống khiến khán giả cười nhưng là "cười ra nước mắt" vì ai cũng hiểu rằng một xã hội còn tham nhũng thì xã hội đó khó tài nào có thể đứng vững và phát triển.

Tác phẩm được đẩy đến cao trào khi "đám chuột" của thành phố phát hiện "quan thanh tra" giả mạo. Ảnh: Khuê Tú

Kết thúc buổi tổng duyệt, NSƯT Chí Trung chia sẻ: "Thông điệp của vở kịch là rất rõ ràng, khán giả có thể dễ dàng nhận thấy thông qua việc khắc họa hình ảnh của những con chuột trên sân khấu. Tôi nghĩ rằng việc hài kịch đề cập đến vấn đề tham nhũng cũng như các vấn đề thời sự khác không chỉ để phê phán những việc làm sai mà còn giúp xã hội tốt đẹp hơn. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là phòng chống tham nhũng, do đó, nghệ thuật cũng cần phải góp sức mình".

Hài kịch kinh điển Quan thanh tra sẽ chính thức công diễn vào ngày 27/2 tại Nhà hát Tuổi trẻ.


Sơn Minh Khuê Tú

Bạn có thể quan tâm