Quan sát nguyệt thực toàn phần, siêu trăng và trăng xanh
Thứ tư, 31/1/2018 05:50 (GMT+7)
05:50 31/1/2018
Ngày 31/1, bữa tiệc thiên văn kỳ thú sẽ diễn ra khi ba hiện tượng trăng xanh, siêu trăng và nguyệt thực toàn phần cùng hội tụ.
Tối 31/1, hiện tượng trăng xanh, siêu trăng và nguyệt thực sẽ lần đầu tiên hội tụ sau 150 năm. Lý giải về điều này, Mặt Trăng thường quay quanh Trái Đất trong 29,5 ngày. Tháng 1/2018 có 31 ngày, trong đó ngày rằm tháng 11 âm lịch rơi vào ngày 1/1, ngày rằm của tháng Chạp rơi vào ngày 31/1. Vì vậy, chúng ta có cơ hội được chứng kiến trăng tròn hai lần trong một tháng (trăng xanh). Bên cạnh đó, Mặt Trăng đồng thời đi vào vùng tối của Trái Đất, khiến hiện tượng nguyệt thực toàn phần diễn ra. Đồ họa: The weather network.
Cùng thời điểm đó, Mặt Trăng ở quỹ đạo rất gần Trái Đất, giúp chúng ta có thể quan sát hành tinh này ở kích thước lớn hơn so với thông thường (siêu trăng).
Hình ảnh đồ họa cho thấy Việt Nam nằm trong khu vực có thể quan sát nguyệt thực toàn phần trong tối 31/1. Một số vùng ở phía tây của đất nước không nằm trong dải này nhưng thực tế vẫn có thể quan sát pha một phần và toàn phần của hiện tượng thiên văn kỳ thú này. Đồ họa: Date and Time.
Một số khu vực ở Nam Mỹ, Đông Bắc Mỹ, châu Phi và châu Âu sẽ không có cơ hội quan sát hiện tượng nguyệt thực vào ngày cuối cùng của tháng 1. Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), siêu trăng sẽ lớn hơn 14% và sáng hơn 30% so với trăng tròn lúc đỉnh điểm thông thường. Trong khi đó, Mặt Trăng sẽ có màu đỏ trong lúc diễn ra nguyệt thực bởi ảnh hưởng từ lượng ánh sáng Mặt Trời chiếu qua Trái Đất. Ảnh: Getty.
Theo Hội thiên văn học trẻ Việt Nam, Mặt Trăng sẽ xuất hiện vào khoảng 17h30 ngày 31/1, trước khi nguyệt thực cực đại bắt đầu lúc 20h29. Hiện tượng này sẽ kéo dài trong khoảng 5 giờ. Ảnh: Getty.
Khác với nhật thực, nguyệt thực hoàn toàn không có bất cứ mối đe dọa nào đến thị lực của người quan sát. Người ta chỉ cần đến một khu vực thông thoáng, quang mây, ít ánh đèn và hạn chế ô nhiễm để có thể quan sát nguyệt thực một cách rõ ràng và trọn vẹn nhất. Ảnh: Getty.
Cả ba hiện tượng nguyệt thực, trăng xanh và siêu trăng sẽ cùng hội tụ trong 77 phút, từ 19h51 đến 21h08. Theo Forbes, tỷ lệ để cả ba hiện tượng này cùng lúc diễn ra là 0,042% lần trăng rằm, nghĩa là 2.380 lần trăng tròn, tương đương khoảng 265 năm mới có một sự kiện như thế này. Ảnh: Getty.
Nguyệt thực toàn phần sẽ quay trở lại vào ngày 27/7. Người dân ở Nam Mỹ, châu Âu, Australia, châu Phi và châu Á sẽ có cơ hội quan sát hiện tượng này. Ảnh: Getty.
Ngày 31/1, 3 hiện tượng thiên văn mặt trăng xanh, siêu trăng và mặt trăng máu sẽ xuất hiện cùng lúc. Đây là hiện tượng hiếm có và lần gần nhất xảy ra là hơn một thế kỷ trước.
Những người yêu thiên văn sẽ được hưởng một bữa tiệc thịnh soạn vào ngày 31/1 khi ba hiện tượng hiếm gặp là siêu trăng, trăng xanh và nguyệt thực toàn phần cùng xuất hiện.
2018 sẽ là một năm hấp dẫn đối với những ai có say mê việc quan sát bầu trời với hai lần nguyệt thực toàn phần và hàng loạt các trận mưa sao băng tuyệt đẹp.