Khi TP.HCM nới lỏng giãn cách (từ ngày 1/10) cũng là lúc quán nhậu trên đường Nguyễn Thượng Hiền (quận 10) của anh Nguyễn Minh Thái trở thành cửa hàng bán trái cây.
Thực đơn gồm đủ món nay đã chuyển thành cam, dưa hấu, thơm, đu đủ.
Lấy hàng từ tờ mờ sáng đến khoảng 7-8h, anh Thái bắt đầu dọn đồ rồi xách cái ghế con ra ngồi, mắt nhìn hướng ra đường phố. Buổi sáng là thời điểm bận bịu nhất khi có nhiều khách hàng tạt ngang trên đường đi chợ, đi làm. Đến tầm chiều chỉ lác đác thêm vài người ghé mua.
“Cũng có nhiều người trước là khách quen của quán nhậu nay hay ghé ủng hộ. Ai cũng hỏi bao giờ quán mở bán lại nhưng tôi cũng chưa chắc. Nếu tình hình ổn định thì tuần sau tôi lại mở bán online và mang đi”, chủ quán nói với Zing.
Quán nhậu trên đường Nguyễn Thượng Hiền bày bán trái cây. |
Chung tình cảnh với quán của anh Thái, sau nhiều tháng đóng cửa vì dịch, nhiều quán ăn, tiệm cà phê, karaoke tại TP.HCM nay cũng phải chuyển hướng sang kinh doanh thực phẩm tươi sống.
Một số dịch vụ vẫn chưa được phép hoạt động trở lại, trong khi nhiều nơi không mặn mà với việc bán thức ăn mang đi hoặc online. Chính vì vậy, chuyển sang bán thịt cá, rau củ, trái cây được coi là giải pháp cầm cự trước mắt.
Bù lỗ liên tục 3-4 tháng
Khi Covid-19 bùng phát hồi đầu tháng 6, quán nhậu của anh Thái buộc phải đóng cửa để đảm bảo quy định chống dịch. Từ lúc bắt đầu kinh doanh vào năm 2014 đến nay, chủ quán cho biết mình chưa bao giờ nghỉ bán lâu đến như vậy.
Những ngày gần đây, thành phố cho phép các tiệm ăn hoạt động trở lại theo hình thức bán mang đi. Tuy nhiên, anh Thái quyết định xem xét thêm tình hình thay vì vội vàng mở quán lại ngay.
Trong lúc đợi, gia đình anh được người quen giới thiệu mối nhập trái cây từ tỉnh Vĩnh Long. Sạp hoa quả không nhiều nhặn gì nhưng cũng giúp anh Thái có thêm nguồn thu nhập trong giai đoạn “thắt lưng buộc bụng”.
“Mỗi ngày bán được vài chục kg, thu được 300.000-1 triệu đồng. Không nhiều nhưng cũng có có đồng vô đồng ra”.
Anh Thái nói thêm dù còn gặp không ít khó khăn vì chưa thể kinh doanh trở lại, may mắn, anh đã được chủ mặt bằng giảm 50% tiền thuê trong 4 tháng nghỉ dịch.
Anh Thái chuyển sang kinh doanh trái cây từ khi TP.HCM nới lỏng giãn cách. |
Cách tiệm rau của anh Thái một con đường, một quán karaoke (quận 3) cũng đã chuyển sang bán cá và trái cây sau gần nửa năm đóng cửa vì dịch.
Một nhân viên cho hay tiền thuê mặt bằng hàng trăm triệu cộng với chi phí bảo dưỡng máy móc khiến chủ quán phải tìm giải pháp trước mắt.
Trong khi nhiều tiệm ăn xung quanh đã rục rịch mở bán mấy ngày gần đây, chị Nho, chủ một quán lẩu nướng trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh), vẫn chỉ tập trung kinh doanh rau củ quả.
“Với những quán lẩu nướng, hải sản như tôi, trước giờ, doanh thu chủ yếu vẫn là khách ăn tại chỗ, nên bán mang đi thực sự không được bao nhiêu. Ngày được vài phần cũng không lại tiền vốn”.
Chị Nho cho biết mình đã chuyển đổi quán ăn thành cửa hàng thực phẩm được gần 2 tháng nay. Trong giai đoạn giãn cách, chị kinh doanh online. Hàng hóa không phong phú, đa dạng như hiện tại nhưng nhu cầu lớn nên việc làm ăn cũng tạm ổn.
“Nhưng mấy ngày gần đây, các chợ đã lần lượt mở cửa trở lại. Cửa hàng của tôi vắng khách hơn trước nhiều lắm. Ai cũng ra chợ mua cá, thịt, rau quả luôn. Hiếm người ra chợ mua mỗi đồ mặn rồi lại vòng về đây mua rau”.
Quán lẩu nướng trên đường Phạm Văn Đồng trở thành cửa hàng rau củ quả. |
“Ai cũng phải lo miếng ăn trước”
Trên đoạn quốc lộ 13 (phường 26, quận Bình Thạnh), sạp rau củ nhỏ trước tiệm sửa xe Châu thu hút sự tò mò của người đi đường. Anh Châu (53 tuổi), chủ tiệm, cho biết cách đây khoảng 2 tuần, vợ chồng anh bàn với nhau mở thêm quầy bán rau trước cửa để kiếm thêm thu nhập, trả tiền mặt bằng.
Nguồn hàng được lấy từ vườn của người quen nên giá “mềm” hơn ở chợ, chỉ chênh tiền gốc khoảng 2.000 - 3.000 đồng. Sau khi lựa kỹ, rửa sạch, hàng hóa được bày ra các hộp xốp để khách ghé mua.
Từ dân kỹ thuật, chuyên sửa xe, thay lắp phụ tùng nay chuyển sang cân rau, chọn quả, ông chủ 53 tuổi cũng gặp khó khăn những ngày đầu.
Tiệm sửa xe của anh Châu bán thêm rau củ hơn một tuần nay. |
“Hồi mới bán có hơi bỡ ngỡ, chưa thuộc giá với không biết tư vấn cho khách làm sao nhưng giờ thì tôi tự tin hơn, chắc được khoảng 7-8 phần so với các tiểu thương ở chợ. May mắn là những khách hay sửa xe ở đây có ghé qua ủng hộ nhiều lần nên cũng vui”, anh Châu chia sẻ.
Từ khi dịch bệnh ập đến, tiệm sửa xe đã đóng cửa 4 tháng. Khi TP.HCM cho phép một số dịch vụ hoạt động trở lại, tình hình kinh doanh cũng không khả quan hơn. Tiền thuê nhà đã được người chủ giảm một ít nhưng vẫn không đủ trang trải.
“Giờ đây, ai cũng phải lo miếng ăn trước. Có sạp rau này, tôi được an ủi phần nào. Tiền lời chắc chắn không bằng hồi sửa xe nhưng cũng có đồng ra đồng vào, trước mắt là có tiền để vượt qua thời gian này”.
Trong số 3-4 quán ốc trên đường Phạm Văn Đồng, quán ốc Châu là tiệm duy nhất vẫn mở cửa. Tuy nhiên, thay vì bán ốc, hải sản, quán ăn này đã chuyển sang bán trái cây khoảng một tuần nay.
“Quán của tôi mở trên đất của gia đình nên không phải lo tiền thuê mặt bằng như những nơi khác. Dù vậy thì khi nào thành phố cho phép khách ăn tại quán thì chúng tôi mới mở bán ốc. Trước mắt thì chỉ dám kiếm chút thu nhập từ sạp trái cây, thực phẩm như thế này thôi”, chủ quán cho hay.
Sạp trái cây trước quán ốc trên đường Phạm Văn Đồng. |