Từ sáng đến trưa, quán cà phê của anh Trần Mạnh ở Cầu Giấy, Hà Nội chỉ bán được đúng 2 cốc cà phê mang về của người quen. Nửa tháng đóng cửa là khoảng thời gian anh ví như đang ngồi trên lửa. "Khách uống cà phê chủ yếu đến quán để thưởng thức, trò chuyện, chụp ảnh nên việc bán hàng mang về thực sự không hiệu quả", anh Mạnh nói.
Không mở quán nhưng 30 triệu tiền mặt bằng, tiền điện và tiền lương trả cho nhân viên chính thức chủ quán cà phê này vẫn phải chi trả đầy đủ. "Phải đặt mình vào hoàn cảnh của người kinh doanh mới hiểu được tình thế rất khó khăn của chúng tôi lúc này", anh nói.
Tốn hàng chục triệu đồng để cầm cự
Dù chấp hành nghiêm lệnh đóng cửa quán cà phê, chị Huyền (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thắc mắc: "Xung quanh quán tôi, nhà hàng, quán nhậu trong nhà đều được mở cửa. Thậm chí có nhiều quán không có vách ngăn vẫn được hoạt động. Như thế có phải là bất bình đẳng cho người kinh doanh cà phê trong nhà?".
Thực tế, theo ghi nhận của Zing, một số quán ăn trên địa bàn Hà Nội vẫn không thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch. Tại một quán trên đường Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) không bắt buộc khách phải rửa tay sát khuẩn, trong quán cũng chỉ bố trí vách ngăn tạm để khi nào có cơ quan chức năng đến kiểm tra mới mang ra ngăn cách giữa các vị trí của khách.
Một hàng ăn ở phố Nguyễn Văn Tuyết (quận Đống Đa), khách ngồi ăn không đảm bảo giãn cách, chủ quán kéo khẩu trang xuống tận cằm. Ảnh: Đức Anh. |
Tương tự, anh N., chủ một quán cà phê trên đường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng đứng ngồi không yên khi nhìn các quán ăn, quán nhậu xung quanh nhà vẫn đông khách. "Sốt ruột quá, tôi đánh liều mở cửa bán, chưa bán được đồng nào thì đã bị phạt 20 triệu đồng", anh buồn bã nói.
Theo anh, đóng cửa quán cà phê để tránh việc tụ tập đông người, đảm bảo giãn cách xã hội nhưng quán nhậu, quán ăn, nhà hàng vẫn được mở cửa đón khách trong khi mức độ rủi ro là tương đương. Chủ quán cà phê này mong muốn được sớm buôn bán trở lại. "Chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm quy định phòng dịch theo chỉ đạo của Thành phố và hướng dẫn của Bộ Y tế”, anh N. chia sẻ.
Chị Như Quỳnh, chủ một quán cà phê trên đường Láng (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết được phép bán mang về nhưng quán chị chủ yếu dành cho khách đến chụp ảnh. "Các cửa hàng kinh doanh như của tôi thiệt hại rất lớn bởi vẫn phải chi gần 50 triệu đồng thuê mặt bằng, nguyên vật liệu và thuê nhân viên, còn lãi suất ngân hàng cho khoản vay đầu tư nữa", chị nói.
Mong được mở cửa có giãn cách
Trong khi nhà hàng, quán ăn phục vụ trong nhà vẫn được phép hoạt động, nhiều chủ quán cà phê ở Hà Nội đều mong sớm có thông báo được kinh doanh trở lại.
Nóng lòng chờ hết lệnh giãn cách từ nhiều ngày qua, chị Quỳnh chia sẻ: "Hôm quan, thấy Hải Phòng thông báo cho phép quán cà phê mở cửa, không chỉ tôi mà chủ quán cà phê nào ở Hà Nội cũng ngóng thông báo được cấp phép trở lại".
Nhiều chủ quán cà phê cho rằng những ngày qua Hà Nội không có ca nhiễm Covid-19 mới nào, nên việc cho phép các quán cà phê kinh doanh trở lại là khá hợp lý bởi song song cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đó là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều chủ quán cà phê ở Hà Nội mong sớm được kinh doanh trở lại. Ảnh: Việt Hùng. |
Dù chưa nhận thông báo của chính quyền thành phố về thời gian được hoạt động trở lại nhưng nhiều chủ quán cà phê cho biết họ đã rục rịch lau dọn cửa hàng, gọi điện nhân viên chuẩn bị trở lại làm việc.
Nhiều chủ quán cà phê khẳng định sẽ thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch như giãn cách 2 m hoặc 1 m nếu có tấm chắn giọt bắn, yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, cũng như vệ sinh, khử khuẩn liên tục các không gian, bề mặt tiếp xúc...
Trao đổi với Zing, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng I (TP.HCM) cho biết mức độ lây nhiễm giữa các quán cà phê và quán ăn trong nhà là tương đương nhau. Thậm chí, các quán ăn, nhà hàng, quán bia… là nơi tập trung đông người thường xuyên, nếu không tuân thủ các biện pháp chống dịch thì nguy cơ dịch xuất hiện và bùng phát là rất lớn.
Theo bác sĩ Khanh, nếu quán cà phê, quán ăn, nhà hàng đảm bảo các yêu cầu về giãn cách xã hội, thực hiện tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế, đặc biệt nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc thì có thể hoạt động để đảm bảo mục tiêu vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Tại Hà Nội, hôm nay là ngày thứ 14 thành phố không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Trước đó, trong buổi làm việc trực tuyến của Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội chiều 22/2, ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố, đề nghị các sở, ngành lên kế hoạch giảm, nới lỏng các quy định giãn cách.
Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ cũng đề nghị các cấp, đơn vị của TP ra chiến lược chống dịch Covid-19 phù hợp, trước mắt nới lỏng biện pháp hạn chế cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.