Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quan ngại về khả năng đưa điện gió, điện mặt trời vào hệ thống

Theo đại diện EU, điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam có tiềm năng rất lớn nhưng vẫn tồn tại một số vấn đề để triển khai như mặt bằng, giá bán, hạ tầng và hợp đồng mua bán điện.

“Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng điện gió và mặt trời” là lời khẳng định của đại sứ Bruno Angelet, Trưởng đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam trong chuyến công tác tại các tỉnh Bình Thuận và Khánh Hòa từ ngày 17 - 19/12.

Tiềm năng lớn nhưng gặp rào cản về lưới điện

Dẫn chứng về hiệu quả của Nhà máy Điện gió Phú Lạc tại huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, đại sứ Angelet cho rằng công suất tua-bin đạt tới 99,8% như hiện nay chứng minh tiềm năng dồi dào của Việt Nam để phát triển điện gió.

Đồng tình với quan điểm của đại sứ EU tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng phát triển điện gió là một giải pháp quan trọng đảm bảo an ninh cung ứng điện của Việt Nam trong vài năm tới.

Nang luong tai tao o Viet Nam anh 1
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng trao đổi với Đại sứ EU tại Việt Nam Bruno Angelet tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Việt Đức. 

Có tiềm năng lớn nhưng hiện tại các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam lại đang gặp rào cản lớn về khả năng giải tỏa công suất lưới điện quốc gia.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, khi số lượng dự án điện gió và điện mặt trời tăng nhanh, lưới điện truyền tải của Việt Nam hiện nay, đặc biệt ở các khu vực có tiềm năng lớn như Bình Thuận và Ninh Thuận không đủ khả năng để giải tỏa cùng một lúc nhiều dự án như vậy.

“Để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ các dự án truyền tải đã có trong quy hoạch và thậm chí bổ sung một số dự án mới để giải tỏa công suất”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Trong khi đó, đại sứ Angelet chia sẻ có 4 nội dung liên quan tới phát triển điện gió cần quan tâm bao gồm giải phóng mặt bằng, giá bán, hạ tầng và đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng đã ký.

Nang luong tai tao o Viet Nam anh 2
4 trên 12 trụ điện gió tại Nhà máy điện gió Phú Lạc, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Việt Đức.

Trưởng đại diện Phái đoàn EU tại Việt Nam cũng nhấn mạnh Việt Nam cần quan tâm tới các nhà đầu tư tư nhân trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Mặc dù dự án Nhà máy điện gió Phú Lạc rất hiệu quả, đại sứ Angelet băn khoăn khi đơn vị xây dựng và vận hành nhà máy là Công ty Cổ phần Phong Điện Thuận Bình vẫn có cổ đông lớn nhất là EVN chiếm 75% sở hữu. Điều này khiến cho câu hỏi về hợp đồng mua bán điện (PPA) vẫn chưa được kiểm chứng chính xác.

Điện mặt trời nổi - Giải pháp không sử dụng đất

Ngoài các dự án năng lượng tái tạo đã đưa vào khai thác như điện gió, điện mặt trời trên cạn, chuyên gia châu Âu cũng đánh giá cao mô hình điện mặt trời nổi tại Việt Nam.

Việt Nam hiện có một nhà máy điện mặt trời nổi duy nhất đang thi công tại hồ thủy điện Đa Mi thuộc xã Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận do Công ty Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi làm chủ đầu tư với tổng số vốn gần 1.500 tỷ đồng, triển khai trên diện tích 50 ha. 

Dự án dự kiến phát điện lần đầu vào tháng 1/2019 và phát toàn bộ công suất 47,5 MW trước ngày 30/06/2019, thời điểm cuối cùng được áp dụng giá mua điện 9,35 US cents/KWh.

Ông Koen Duchateau, Trưởng ban Hợp tác Phát triển của EU tại Việt Nam đánh giá mô hình điện mặt trời nổi có ưu điểm lớn khi lắp đặt các tấm pin mặt trời ngay trên mặt nước và không cần phải giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.

Ông Duchateau cũng cho rằng một trong những ưu điểm khác của nhà máy này là ngay sau khi đi vào hoạt động, dự án “sẽ dễ dàng kết nối với hệ thống lưới điện quốc gia vì ở khu vực này có sẵn nhà máy thủy điện, qua đó tiết kiệm chi phí xây dựng đường dây và trạm điện”.

Nang luong tai tao o Viet Nam anh 3
Có khoảng 1500 tấm pin mặt trời được lắp đặt trên diện tích 50ha tại hồ Đa Mi, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Việt Đức.

Bên cạnh đó, đại diện ban quản lý công trình cũng cho biết điện mặt trời nổi có hiệu suất cao hơn 10% so với điện mặt trời trên cạn vì có sẵn nguồn nước làm mát. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những khó khăn như suất đầu tư cao hơn và thời gian thi công cũng dài hơn.

Phía EU chia sẻ cũng đang quan tâm một dự án điện mặt trời nổi ở Gia Lai nhưng do vấn đề về trộn lẫn vốn vay nên chưa thể ký được hiệp định tài chính trong 2 năm qua.

“Một mục tiêu rất quan trọng của chúng tôi là hỗ trợ Việt Nam biến nguồn năng lượng nâu sang năng lượng xanh, giảm thiểu sự phát thải khí CO2 và phát triển năng lượng tái tạo”, đại sứ Angelet nhấn mạnh mong muốn giúp Việt Nam cải thiện cơ cấu nguồn cung năng lượng của Việt Nam. “Chúng tôi có cách hỗ trợ tiếp cận toàn diện để Việt Nam chuyển từ năng lượng hóa thạch từ than, khí sang năng lượng tái tạo.”

Tuy nhiên, ông Duchateau lưu ý cần phải ưu tiên hơn nữa việc sử dụng hiệu quả năng lượng tại Việt Nam vì nếu sản xuất được nhiều điện nhưng không sử dụng hợp lý sẽ gây lãng phí rất lớn.

Tại Việt Nam, để tăng trưởng 1% GDP, riêng ngành điện phải tăng trưởng 1,5%. Trong khi đó, tại các nước phát triển, sử dụng năng lượng hiệu quả, để tăng trưởng 1% GDP, tăng trưởng ngành điện chỉ cần thấp hơn 1%.

Liên minh Châu Âu EU đang triển khai Chương trình Hỗ trợ Chính sách ngành Năng lượng để thúc đẩy việc tiếp cận năng lượng bền vững ở vùng nông thôn Việt Nam. Chương trình này nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện chương trình mục tiêu về việc cung cấp điện tới các vùng nông thôn, miền núi và hải đảo trong giai đoạn 2013 - 2020.

Hai mục tiêu chính của chương trình bao gồm hỗ trợ thực hiện mục tiêu cung cấp điện cho khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo từ 2013-2020 và tăng cường quản trị ngành năng lượng để tạo điều kiện chuyển dịch sang việc phát triển năng lượng bền vững hơn.

Khoản hỗ trợ của EU trị giá khoảng 270 triệu Euro trong đó có 100 triệu Euro hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho Chính phủ Việt Nam để thực hiện chương trình Điện khí hóa nông thôn tại 26 tỉnh. 170 triệu Euro còn lại được EU dự kiến hỗ trợ Việt Nam triển khai các dự án năng lượng tái tạo.  

Bộ Công Thương đang nghiên cứu việc đấu giá điện mặt trời

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết bộ này đang nghiên cứu việc đấu giá với các nguồn điện từ năng lượng tái tạo bao gồm điện mặt trời.

Việt Nam nói không với nhiệt điện than, được không?

Nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường và đi ngược xu hướng thế giới. Tuy nhiên, với bối cảnh thiếu điện và khó có nguồn thay thế, Việt Nam đứng trước bài toán khó.





Việt Đức

Bạn có thể quan tâm