Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quản lý thị trường đề xuất có xe ưu tiên, giữ lại tiền phạt như CSGT

Lực lượng quản lý thị trường đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng xe ưu tiên, giữ lại một phần tiền phạt vi phạm hành chính để xây dựng lực lượng.

Chiều 13/1, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình dự hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) thuộc Bộ Công Thương.

Tại hội nghị, Tổng cục QLTT nêu ra nhiều kiến nghị tới Chính phủ. Cơ quan này mong muốn được sử dụng xe có tín hiệu, được quyền ưu tiên.

Đồng thời, Tổng cục QLTT cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét có cơ chế để lại số thu từ nguồn xử lý vi phạm hành chính của lực lượng để tái đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa lực lượng phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính.

Hiện tại, các lực lượng như cảnh sát giao thông (CSGT), thuế, hải quan… đều được giữ lại một phần tiền phạt vi phạm hành chính.

quan ly thi truong de xuat co xe coi hu anh 1

Lực lượng quản lý thị trường đề xuất Chính phủ cho phép sử dụng xe ưu tiên. Ảnh: Hoàng Lam.

Cơ quan này cũng kiến nghị, đề xuất với Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hành lang pháp lý, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động thương mại điện tử nói chung, website thương mại điện tử nói riêng, đặc biệt các hoạt động thương mại trên các mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, các ứng dụng trực tuyến.

Từ đó có biện pháp ngăn chặn kịp thời và lưu giữ chứng cứ vi phạm, quy định rõ trách nhiệm, hình thức xử lý, chế tài xử phạt đối với từng trường hợp vi phạm.

Với những đề xuất này, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình giao Bộ Công Thương tổng hợp, làm việc với các cơ quan liên quan để giải quyết. Vấn đề nào vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng quyết định.

Đánh giá cao các hoạt động chống hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại của lực lượng QLTT năm qua, nhưng phó thủ tướng cho rằng “thực tế chưa đạt được như mong muốn”.

Ông cho rằng hàng giả, hàng lậu còn bày bán công khai. Nhiều cơ sở sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện khắp cả nước. Có nơi lập cả kho chứa hàng lậu, hàng giả, nhập hàng nước ngoài về sau đó làm giả nguồn gốc xuất xứ Việt Nam.

“Như vậy gây ảnh hưởng rất lớn đến thị trường trong nước và uy tín của Việt Nam”, Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia nói.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cũng tỏ ra sốt ruột với việc trên thị trường xuất hiện nhiều loại hàng hóa giả mạo làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhất là lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, còn có các mặt hàng tạm nhập tái xuất, buôn lậu ma túy, heroin…

Ông cũng nhắc đến việc còn một số công chức trong lực lượng QLTT còn thiếu trách nhiệm, bao che, tiếp tay cho hàng giả, hàng kém chất lượng. Một số công chức năng lực còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Ông lấy ví dụ có người còn chưa phân biệt được chai rượu vang thật, giả như thế nào.

Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các lực lượng chưa hiệu quả như mong muốn. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng còn bất cập, sơ hở.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình dự báo năm 2020, tình hình buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại… vẫn sẽ diễn biến phức tạp, tạo sự chuyển biến căn bản.

Ông yêu cầu Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT quán triệt nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 138, 389 quốc gia về việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, đẩy mạnh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại. Ngoài ra cần hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng lực lượng, chống tham nhũng vặt, nêu cao tinh thần nêu gương, phối hợp tốt các lực lượng…

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm