Năng lượng đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của doanh nghiệp. Việc khai thác và sử dụng tài nguyên năng lượng chưa hợp lý có thể gây thiếu hụt và gia tăng chi phí với doanh nghiệp. Trong khi đó, việc tìm kiếm các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo hay năng lượng thay thế tốn nhiều thời gian.
Trong số phát sóng mới nhất của chương trình “Phát triển kinh tế năng lượng” (do Ban Khoa Giáo - Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp sản xuất), chủ đề “Quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 trong doanh nghiệp” đã được đem ra phân tích, mang đến những giải pháp sử dụng năng lượng hợp lý cho tổ chức, doanh nghiệp.
Hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001 giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả. Ảnh cắt từ clip. |
Chương trình đưa ra mô hình về hệ thống quản lý năng lượng cùng hướng dẫn sử dụng, giúp doanh nghiệpcó những giải pháp kiểm soát, sử dụng hiệu quả.
Theo đó, hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001 là tiêu chuẩn quốc tế được triển khai bởi ủy ban ISO. Tiêu chuẩn này là thành quả của các chuyên gia quản lý năng lượng ở hơn 60 quốc gia, được công nhận toàn cầu và nhiều doanh nghiệp áp dụng.
Hiện nay, tiêu chuẩn ISO 50001 là lợi thế của những tổ chức muốn kiểm soát tiêu thụ năng lượng và cải thiện quá trình hoạt động. Theo tính toán, công cụ này có thể giảm đến 60% mức sử dụng năng lượng của thế giới.
Hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001 có thể áp dụng cho nhiều mô hình doanh nghiệp. Ảnh cắt từ clip. |
Hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001 có thể áp dụng cho tất cả doanh nghiệp với đa dạng quy mô, loại hình sản xuất, không phụ thuộc vấn đề như địa lý, văn hóa hay xã hội. Mỗi doanh nghiệp mất từ 6 tháng đến một năm xây dựng và áp dụng thành thục hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn này.
Chương trình “Phát triển kinh tế năng lượng” được phát sóng vào 8h10 thứ bảy và chủ nhật hàng tuần trên VTV2. Chương trình mang đến cái nhìn tổng quan về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, cũng như việc khai thác và sử dụng hiệu quả, đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. Chương trình có sự đồng hành của Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL), Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo).
Bình luận