"Khách đến quán karaoke giảm mạnh, chưa bằng 50% thời gian trước đây", chị Nguyễn Thị Yến (47 tuổi) thở dài khi chỉ vào các phòng hát trống trơn.
Kinh doanh karaoke trên phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, đã hơn mười năm, chị Yến nói đây là lần hiếm hoi thấy quán vắng vẻ khách như dịp tháng 9 này, không tính thời gian nghỉ vì dịch Covid-19.
Ghi nhận trên những phố nhiều quán karaoke như Trần Thái Tông, Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), Xã Đàn (quận Đống Đa)... các quán đều trong tình trạng vắng vẻ. Hàng loạt vụ cháy quán karaoke thời gian qua đã gây ám ảnh cho nhiều người, đặc biệt là vụ hỏa hoạn ở quán An Phú (Bình Dương) vào ngày 6/9 khiến 32 người chết.
Quán vắng khách, cắt giảm nhân viên
Kinh doanh karaoke mặt phố Trần Thái Tông, chị Yến chỉ biết lắc đầu khi nói về lượng khách những ngày qua. Mở cửa từ 11h đến 24h song chỉ 5-10 phòng đặt mỗi ngày, có hôm chị chỉ nhận 3-4 nhóm khách. Thường xuyên vắng vẻ, đến cao điểm buổi tối, tình hình của quán cũng không khá khẩm hơn. So với con số 15-10 phòng/ngày được đặt trước kia, doanh thu đã sụt giảm nhiều lần.
"Khách hàng nói họ lo lắng về điều kiện phòng cháy chữa cháy mỗi khi đến hát. Nhiều khách bước vào quán hỏi tôi nơi thoát hiểm ở đâu", chị Yến nói.
Thang thoát hiểm được xây dựng bên ngoài quán karaoke của chị Yến. Ảnh: Vân Trang. |
Khách ít, thời gian ngồi lại quán cũng giảm hẳn. Nếu được chọn phòng, nhiều người yêu cầu ở tầng thấp, hoặc phòng sát lối thoát hiểm ngoài trời.
Chị Yến cho biết cơ sở karaoke do mình quản lý tuân thủ quy định về phòng cháy chữa cháy. Cứ ba tháng lại có một đoàn xuống kiểm tra. Quán 9 tầng, có ba cầu thang gồm: Thang máy, thang bộ buồng kín và thang bộ ngoài trời. Trong đó, thang buồng kín được xây ngăn cách với khu vực hát bằng cửa sắt chống cháy.
Ở tầng một, chị Yến cho lắp đặt thêm hệ thống bơm nước cho toà nhà, tủ điện máy bơm và tủ báo cháy.
"Từ lúc có nhiều vụ hoả hoạn xảy ra, tôi thường cho các nhân viên xịt nước bên ngoài mỗi khi trời nắng nóng. Thỉnh thoảng, có khách nhấn chuông báo cháy làm cả toà nhà sợ hãi", chị Yến nói và cho biết vào cuối tuần này, quán karaoke sẽ có đơn vị chức năng của TP Hà Nội xuống kiểm tra thêm.
Hệ thống phòng cháy chữa cháy trong một quán karaoke trên phố Trần Thái Tông bao gồm: Đường dây bơm nước cho chín tầng, tủ báo cháy tự động, tủ điện máy bơm, thang thoát hiểm ngoài trời. Ảnh: Vân Trang. |
Trong khi đó, một quán hát trên đường Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy) cũng chịu chung cảnh ế ẩm những ngày qua.
"Quán tôi vừa được thành phố kiểm tra tuần trước. Nhưng thời gian qua có thông tin 58% quán karaoke ở Hà Nội không đạt yêu cầu phòng cháy chữa cháy. Nhiều khách không hiểu, vẫn e ngại. Khi khách quen và khách mới đến, tôi lại giải thích và hướng dẫn họ kiểm tra chỗ thoát hiểm", nam chủ quán vừa nói vừa tranh thủ dọn dẹp.
Quán mở cửa từ 10h đến 24h nhưng vắng khách. Ông đành cho hai nhân viên tạm nghỉ mấy ngày đầu tuần.
"Khi xảy ra sự cố, điều đầu tiên phải thông báo với khách. Nếu khách chủ quan ngó lơ thì bắt buộc phải tắt nhạc, thông báo lại tình trạng nguy hiểm và chỉ dẫn khách đi theo một trong các lối thoát hiểm. Đồng thời, tôi cũng phải nhắc nhân viên liên hệ nhanh với đội cứu hoả", chủ quán trên đường Nguyễn Khang thông tin về quy trình hướng dẫn nhân viên của mình.
Khách về sớm, xin ngồi tầng thấp
Tối 14/5, Vân Hải (22 tuổi) rời khỏi quán karaoke trên hồ Đền Lừ (quận Hoàng Mai). Không còn tình trạng ngồi xuyên đêm đến 1h sáng như trước, nhóm của Vân Hải chỉ ngồi hát trong hai tiếng là về.
Nhóm 8 người không ai uống rượu, đều tỉnh táo hết. "Tôi vẫn đi hát karaoke 2 lần/tuần như bình thường vì đây là hoạt động thường xuyên của công ty. Nhóm không uống rượu bia, chỉ hát thôi nên nếu có sự cố, chạy cũng nhanh hơn", Vân Hải cho hay.
Vân Hải đề nghị chủ quán cho ngồi tầng thấp nhưng không phải quán nào cũng chấp nhận. Nhiều người mang tâm lý thích tầng thấp, gần lối thoát hiểm nên quán hết "phòng đẹp", nhóm phải bù thêm tiền mới được chọn.
Quán karaoke ở ngay ngã tư mặt tiền Vũ Phạm Hàm vắng khách. Ảnh: Vân Trang. |
Tại một quán karaoke trên phố Xã Đàn (quận Đống Đa), Tuấn Anh (sinh năm 1998) cùng bạn bè chỉ ngồi trong thời gian ngắn. Trước hàng loạt tin tức thời gian qua, anh cho biết đã hạn chế thú vui này hơn. Buổi đi hát hôm 14/9 là lần đi hát hiếm hoi của Tuấn Anh.
"Bình thường mỗi lần đi hát chỉ hết 250.000-300.000 đồng, cũng rẻ cho một buổi tối thư giãn. Nhưng sau khi đọc nhiều tin về các vụ cháy quán karaoke, bây giờ tôi thường rủ bạn bè đi chơi công viên hoặc đến quán cà phê hơn", Tuấn Anh tâm sự.
58% quán karaoke ở Hà Nội không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy
Theo yêu cầu của UBND Hà Nội, 100% cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường trên địa bàn phải được kiểm tra về điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy. Việc kiểm tra phải xong trước ngày 20/9, báo cáo kết quả trước ngày 25/9.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội, thành phố hiện có gần 1.400 cơ sở kinh doanh karaoke. Quá trình kiểm tra, có tới 58% cơ sở không đạt yêu cầu về công tác an toàn phòng cháy chữa cháy trong quá trình hoạt động.
Cụ thể, 425 cơ sở có khả năng khắc phục nhưng chưa khắc phục nên đã kiến nghị tạm dừng hoạt động. Ngoài ra, 326 cơ sở không có khả năng khắc phục đã bị tạm đình chỉ.
Từ khoảng tháng 8/2022 đến nay, đơn vị đã tạm đình chỉ 27 cơ sở, phạt trên 1 tỷ đồng.
UBND Hà Nội cũng yêu cầu tổng hợp danh sách cơ sở kinh doanh karaoke, bar, vũ trường không đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy, đang bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động. Danh sách này sẽ được gửi đơn vị liên quan để căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.