Nga và Trung Quốc từng cam kết hợp tác để chiến đấu chống lại đại dịch toàn cầu. Hai cường quốc này cùng lên tiếng chỉ trích việc Mỹ đổ lỗi cho Bắc Kinh không kiểm soát được virus corona khi dịch bệnh khởi phát.
Song cùng lúc đó, Covid-19 cũng đang khiến mối quan hệ trở nên căng thẳng hơn, South China Morning Post bình luận.
Trong khi Trung Quốc dần kiểm soát được dịch bệnh, Nga trở thành “ổ dịch” lớn thứ 2 thế giới với số ca nhiễm tăng nhanh mỗi ngày. Diễn biến phức tạp ở Nga đang đe doạ trực tiếp đến công tác chống dịch tại Trung Quốc, nhất là ở khu vực biên giới thuộc tỉnh Hắc Long Giang.
Tính đến ngày 19/5, Nga ghi nhận hơn 260.000 ca nhiễm và 2.000 ca tử vong do Covid-19. Tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc) có hơn 380 trường hợp nhiễm bệnh, hầu hết là “ca ngoại nhập” đến từ Nga.
Trung Quốc đối diện với một làn sóng ca nhiễm mới do các "ca ngoại nhập" từ Nga. Ảnh: Washington Post. |
Giáo sư Shi Yin Hong, chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định dịch Covid-19 phủ bóng đen lên mối quan hệ Nga-Trung. Ông Shi Yin Hong cũng cho rằng thất bại chống dịch của Nga khiến Trung Quốc không hài lòng.
Trong khi đó, ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow chuyên về chính sách đối ngoại, cho biết dịch Covid-19 khiến quan hệ hai nước trở nên căng thẳng nhưng “vẫn chưa gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng nào”.
Tiến gần hơn với Mỹ
Theo South China Morning Post, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin từng cam kết hợp tác để chiến đấu với Covid-19. Kể từ tháng 3, hai nhà lãnh đạo đã có 3 cuộc điện đàm để thảo luận về các biện pháp chống dịch chung.
Thế nhưng, "người bạn tốt nhất” của ông Tập, Tổng thống Nga Vladimir Putin, lại thực hiện đến 6 cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cùng khoảng thời gian kể trên.
Kể từ tháng 3, ông Putin có 6 cuộc điện đàm với ông Trump. Ảnh: Business Insider. |
Hôm 26/4, nhân dịp kỷ niệm 75 năm cuộc hội ngộ giữa quân đội Mỹ và Liên Xô bên bờ sông Elbe trong Thế chiến II, ông Putin và người đồng cấp Trump đã đưa ra một tuyên bố chung.
Tuyên bố nhấn mạnh “tinh thần sông Elbe” là “ví dụ điển hình cho việc hai cường quốc có thể gạt bỏ sự khác biệt, xây dựng niềm tin và cùng hợp tác vì một mục đích chung cao cả”.
“Giữa lúc chúng ta đang chống lại những thách thức lớn của thế kỷ XXI, chúng ta có thể bày tỏ lòng kính trọng về tinh thần quả cảm của thế hệ cha ông, những người từng chung tay đánh bại chủ nghĩa phát xít. Chiến công của họ sẽ không bao giờ bị lãng quên”, tuyên bố chung cho biết.
Theo lời bình của Wall Street Journal, tuyên bố này khiến chính giới và quan chức Mỹ bối rối vì Nga và Mỹ vốn có nhiều điểm khác biệt. Song nhiều nhà quan sát Trung Quốc tin rằng mối quan hệ giữa hai nước này đang có dấu hiệu ấm lên.
“Tuyên bố hôm 26/4 cho thấy Nga và Mỹ hoàn toàn có thể hợp tác”, Giáo sư Shi Yin Hong của Đại học Nhân dân Trung Quốc nhận xét. “Trong khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang xấu đi thì mối quan hệ cá nhân giữa hai ông Putin và Trump tiếp tục được duy trì”.
Gia tăng ảnh hưởng tại Nga
Theo nhận định của chuyên viên cấp cao Alexander Gabuev từ Trung tâm Carnegie Moscow, Covid-19 có thể là bàn đạp giúp Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng tại Nga. Mặt khác, những nỗ lực hồi sinh kinh tế của Bắc Kinh có thể kích cầu năng lượng tại Nga.
Số liệu của Reuters cho biết lượng dầu khô Trung Quốc nhập khẩu từ Arab giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi lượng dầu mua từ Nga tăng 31%.
Hồi đầu tháng, nhà sản xuất khí đốt của Nga, Gazprom, khẳng định sẽ cung cấp nguồn năng lượng cho Trung Quốc theo đúng kế hoạch dù có nhiều lao động nhiễm virus corona.
“Dầu khí là ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn của Nga. Trung Quốc nắm lợi thế để quyết định có nên cắt giảm lượng mua từ Vùng Vịnh hay Mỹ Latin hay không”, ông Gabuev nhận xét.
“Nếu Trung Quốc muốn biến khủng hoảng thành cơ hội, dành lợi thế ở Nga và Trung Á chắc chắn là con đường hợp lý. Tôi tin rằng đó là một xu hướng chính trị quan trọng trong năm 2020”.
Dầu khí là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Nga. Ảnh: Chron. |
Theo nhà nghiên cứu Li Lifan của Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, nhu cầu năng lượng của Trung Quốc vẫn còn cao trong khi Nga là nguồn cung ổn định nhất.
“Dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến thương mại song phương trong vài quý đầu năm. Song tôi cho rằng đây chỉ là yếu tố nhỏ, không thể làm chệch hướng mối quan hệ hữu hảo lâu năm giữa 2 quốc gia”, chuyên gia Li nhận định.