Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc hội đàm tại Nhà Trắng. Ảnh: AFP |
Kết quả rõ rệt nhất mà Mỹ và Trung Quốc đạt được nhân chuyến công du của ông Tập là việc hai nước đạt một thỏa thuận cụ thể về chống biến đổi khí hậu và Trung Quốc cam kết lập một hệ thống trao đổi định mức khí thải trong nước.
Bắc Kinh sẽ chi 3,1 tỷ USD để hỗ trợ các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu. Hai nước cũng đạt thỏa thuận mở các kênh liên lạc mới để ngăn chặn nguy cơ “tính toán sai” giữa quân đội hai nước, ngăn chặn leo thang căng thẳng.
Tuy nhiên không có dấu hiệu nào khác cho thấy quan hệ Mỹ - Trung sẽ “bước sang một chương mới mang tính lịch sử” như lời kêu gọi của ông Tập. Bởi ngay trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng, ông Obama và ông Tập liên tiếp “đụng” nhau về các vấn đề nóng như tấn công mạng và tranh chấp Biển Đông.
Và ông Obama không e ngại khi sử dụng lời lẽ cứng rắn với vị khách mời. Tổng thống Mỹ tuyên bố hai bên cam kết không tấn công mạng các doanh nghiệp của nhau để ăn cắp bí mật thương mại. Nhưng ông chủ Nhà Trắng thẳng thừng cảnh báo: “Hành vi đó phải chấm dứt. Vấn đề là lời nói có đi đôi với việc làm hay không. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ để đánh giá xem vấn đề này có bước tiến triển nào không”.
Rõ ràng ông Obama nhắc đến lời đe dọa rằng Mỹ đang lên danh sách cấm vận các công ty và cá nhân Trung Quốc hưởng lợi từ hành vi tấn công mạng nhiều doanh nghiệp Mỹ. Ông Tập phản đối bằng lập luận quen thuộc là Trung Quốc quyết liệt chống các hành vi đánh cắp bí mật thương mại và tấn công mạng.
Về Biển Đông, ông Obama yêu cầu Trung Quốc ngừng xây đảo nhân tạo trái phép, giải quyết tranh chấp theo luật pháp và thông lệ quốc tế. Ông nhấn mạnh Mỹ muốn đảm bảo rằng luật pháp được bảo vệ trên Biển Đông. Nhưng ông Tập phản ứng bằng lập luận phi lý là các đảo trên Biển Đông “là lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại”.
Ông Tập chỉ cam kết Bắc Kinh sẽ “không quân sự hóa” các đảo nhân tạo. Ngay sau đó, báo Wall Street Journal dẫn lời một số quan chức Nhà Trắng đặt vấn đề là không biết Trung Quốc nói có giữ lời hay không. Đó là thắc mắc hoàn toàn dễ hiểu, bởi tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Malaysia vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng tuyên bố nước này đã dừng hoạt động xây dựng trái phép trên Biển Đông.
Nhưng các bức ảnh vệ tinh chụp những ngày qua cho thấy Trung Quốc liên tục đẩy nhanh bồi lấn, xây dựng trái phép ở các đá nước này chiếm đóng bất hợp pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bằng chứng là theo hình ảnh do hãng IHS Janes vừa công bố, Bắc Kinh mới hoàn tất xây đường băng ở Đá Chữ Thập.
Wall Street Journal cũng dẫn lời chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) đặt câu hỏi cụm từ “không quân sự hóa” mà ông Tập nêu ra thực chất có ý gì. “Có phải là Trung Quốc sẽ không đưa máy bay chiến đấu đến các đường băng hay không triển khai tên lửa tới các đảo nhân tạo?”, bà Glaser đặt câu hỏi.
Chuyên gia Taylor Fravel thuộc Viện Công nghệ Massachusetts cũng nhận định vấn đề là ông Tập và chính phủ Trung Quốc sẽ định nghĩa “quân sự hóa” như thế nào.
Trên thực tế, cam kết của ông Tập cũng không mới. Trước đó nhiều quan chức trong chính phủ Trung Quốc từng tuyên bố tương tự. Nhưng các chuyên gia quốc tế đều cảnh báo mọi công trình xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là 3 đường băng 3.000 m, đều nhằm phục vụ ý đồ kiểm soát vùng biển Đông Nam Á.
Màn “đấu khẩu” giữa ông Obama và ông Tập trong cuộc họp báo cho thấy rõ sự khác biệt và bất đồng sâu sắc giữa hai quốc gia. Sự tiến bộ, nếu có được, là hết sức hạn chế và bất chấp chuyến thăm chính thức của ông Tập, quan hệ hai nước vẫn chỉ giẫm chân tại chỗ.
Màn bắn pháo chào mừng hoành tráng, bữa quốc yến thịnh soạn ở Nhà Trắng hay các bức ảnh chụp hai nhà lãnh đạo tươi cười và bắt tay không thể thay đổi sự thật đó.