Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quan hệ Mỹ - Trung có thể căng hơn sau Đối thoại Shangri-La

Những lời bình luận gay gắt mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel dành cho Trung Quốc trong Đối thoại Shangri-La ở Singapore có thể đẩy quan hệ Mỹ - Trung xuống mức thấp hơn.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sử dụng những ngôn từ mạnh mẽ khi ông phát biểu trong Đối thoại Shangri-La để bảo vệ chiến lược tái cân bằng của chính quyền Barack Obama. Ông khẳng định những nỗ lực nhằm dịch chuyển sự chú ý và các nguồn lực sang châu Á – Thái Bình Dương đang diễn ra trên thực tế, chứ không còn là tầm nhìn hay mục tiêu.

Giới quan sát có thể coi luận điệu của Hagel là sự bổ sung kịp thời cho bài phát biểu của Tổng thống Barack Obama tại Học viện Quân sự West Point hôm 28/4, Straits Times nhận định.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera trong một cuộc họp bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore hôm 31/5. Ảnh: AP

Trong bài phát biểu với thời lượng 46 phút, Obama xoáy vào vấn đề chống khủng bố và sử dụng lực lượng quân sự Mỹ một cách khôn ngoan. Nhưng ông nói rất ít về chính sách đối với châu Á và thậm chí không đề cập tới từ “tái cân bằng” hay “xoay trục” – những thuật ngữ liên quan tới việc dịch chuyển trọng tâm của Mỹ sang châu Á.

Vì thế, những nước đang băn khoăn với bài phát biểu của Obama coi những lời bình luận rõ ràng của Hagel là sự bảo đảm đối với những người đang cảm thấy bất an về thông điệp không nhất quán của chính quyền Obama, cũng như cam kết của Washington đối với châu Á – Thái Bình Dương.

Song bài phát biểu của Hagel còn bộc lộ một khía cạnh nữa. Nó chứa những ngôn từ cứng rắn, gay gắt nhất đối với Trung Quốc từ trước tới nay.

Khi bình luận về tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông giữa Trung Quốc, Philippines và Việt Nam, ông Hagel chỉ trích Bắc Kinh “thực hiện những hành động đơn phương, gây bất ổn” như cấm tàu nước khác tới bãi cạn Scarborough, đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam. Ông cũng chỉ trích Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông vào tháng 11 năm ngoái.

“Mọi quốc gia trong khu vực, bao gồm Trung Quốc, có một lựa chọn: đoàn kết, cam kết với trật tự ổn định của khu vực, hoặc rời xa cam kết để đẩy hòa bình, an ninh của khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào trạng thái nguy hiểm. Trong khi đó, hàng triệu người trên khắp châu Á – Thái Bình Dương, và hàng tỷ người khắp thế giới đang hưởng lợi từ hòa bình, an ninh trong khu vực”, ông nhấn mạnh.

Hôm 28/5, Obama cũng lần đầu tiên đề cập tới khả năng quân đội Mỹ có thể can dự vào xung đột trên Biển Đông.

“Những hành động gây hấn vượt ra khỏi tầm kiểm soát ở phía nam Ukraina, Biển Đông hay những nơi khác trên thế giới sẽ tác động tới các đồng minh của Mỹ và quân đội của chúng ta có thể can dự”, ông nói.

Bắc Kinh tỏ ra bức xúc với giọng điệu gay gắt và trực tiếp của Washington. Tướng Vương Quán Trung, người dẫn đầu đoàn đại biểu của quân đội Trung Quốc tới Đối thoại Shangri-La lần thứ 13, nói với đài truyền hình trung ương Trung Quốc rằng bài phát biểu của Hagel chứa đầy “những lời lẽ xúi giục và hăm dọa”. Ông cũng khẳng định Hagel đưa ra những cáo buộc “vô căn cứ” đối với Trung Quốc.

Những lời lẽ của Hagel, Obama và Vương cho thấy quan hệ Mỹ - Trung sẽ rơi xuống mức thấp hơn trong thời gian tới. Viễn cảnh ấy sẽ khiến cho mức độ lo ngại trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, vốn đã ở mức khá cao, tăng lên.

Văn Toàn

Bạn có thể quan tâm