Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quan hệ chiến lược Việt - Nga và thách thức 10 tỷ USD

Quan hệ Việt - Nga vốn đặc biệt với quá trình lịch sử từ thời Liên Xô nhưng hiện còn nhiều tiềm năng về hợp tác thương mại mà hai bên vẫn chưa tận dụng được hết.

Nhận lời mời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đến Hà Nội tối 18/11, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam lần thứ tư.

Ông Medvedev từng thăm chính thức Việt Nam vào năm 2010 trên cương vị tổng thống Nga và hai năm 2012, 2015 trên cương vị thủ tướng Nga.

thu tuong nga tham viet nam anh 1
Thủ tướng Medvedev tại Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM) 2018 ở Bỉ hồi tháng 10/2018. Ảnh: Reuters.

Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện

Tại Hà Nội ngày 19/11, ông Medvedev sẽ lần lượt hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hội kiến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Theo thông cáo của chính phủ Nga, ông Medvedev sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam các vấn đề thời sự về hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, công nghiệp và năng lượng. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ đánh giá việc triển khai các dự án lớn về hạ tầng, công nghệ cao, giáo dục và nhân đạo, bao gồm chương trình "Năm Nga tại Việt Nam" và "Năm Việt Nam tại Nga" đồng thời diễn ra trong năm 2019.

Từ năm 2001 đến nay, gần như năm nào cũng có các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau hoặc đến một trong hai nước. Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm chính thức Việt Nam hai lần vào các năm 2001, 2006, cũng như đến Đà Nẵng tham dự hội nghị cấp cao APEC tháng 11/2017 và có các cuộc gặp song phương với một số lãnh đạo Việt Nam tại đây.

Các lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam cũng đã lần lượt thăm chính thức Nga trong những năm qua mà gần đây nhất là chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Nga hồi tháng 9. Về quân sự, ngoài hợp tác đào tạo, Việt Nam là một trong những bạn hàng lớn nhất của Nga về mua bán vũ khí.

thu tuong nga tham viet nam anh 2
Thủ tướng Medvedev tiếp đón Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Moscow hồi tháng 9. Ảnh: Reuters.

Thương mại chưa tương xứng với quan hệ chính trị

Sau khi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2016, kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng nhanh với tốc độ hơn 30%/năm.

Theo số liệu của Bộ Ngoại giao, kim ngạch thương mại hai nước năm 2017 đạt mức 3,55 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2016. Sáu tháng đầu năm 2018, kim ngạch song phương đạt 2,3 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ 2017.

Tuy vậy, kim ngạch song phương 4,5-5 tỷ USD/năm thực tế là rất khiêm tốn so với tiềm năng của hai bên và cũng nhỏ bé so với mức độ hợp tác về chính trị giữa hai nước dù VN là một trong những bạn hàng lớn nhất của Nga về mua bán vũ khí.

Kim ngạch này so với một số đối tác lớn khác thực tế là rất khiêm tốn: kim ngạch thương mại Việt Nam - ASEAN là khoảng 50 tỷ USD, kim ngạch Việt - Mỹ hiện ở mức 60 tỷ USD, Việt - Trung dự kiến đạt 100 tỷ USD trong năm nay.

Cách đây 3 năm, khi ông Medvedev tới TP.HCM, một lãnh đạo ngành ngân hàng khi đó chỉ ra thực tế kim ngạch này chỉ chiếm 0,8% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam và chỉ khoảng 0,2% kim ngạch thương mại của Nga – những con số rất nhỏ.

Mọi quan hệ đối tác sẽ có sức nặng hơn khi đi cùng với đó là một quan hệ kinh tế sôi động, mạnh mẽ.

Quan hệ đặc biệt 7 thập kỷ

Quan hệ Việt - Nga vốn đặc biệt với quá trình lịch sử từ thời Liên Xô. Khi đẩy mạnh mở cửa hội nhập, Nga là nước đầu tiên VN chọn để thiết lập đối tác chiến lược (sau nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện). Các chuyến thăm cấp cao được tiến hành thường xuyên giữa hai bên.

"Trong suốt chiều dài gần 70 năm lịch sử quan hệ, nhân dân hai nước chúng ta đã cùng kề vai sát cánh, tương trợ, giúp đỡ nhau. Tôi không thấy có vấn đề gì gây trở ngại cho việc tiếp tục phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước", Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trả lời hãng thông tấn Tass trước thềm chuyến thăm Nga hồi đầu tháng 9, khẳng định Nga là "đối tác truyền thống rất quan trọng".

Ông Vladimir Buianov, chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt, nhận định chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Medvedev và chuyến thăm Nga mới đây của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là những sự kiện lớn trong đời sống chính trị hai nước và dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương, theo TTXVN.

Theo ông Buianov, chuyến thăm của Thủ tướng Medvedev sẽ tạo ra cú hích quan trọng, đẩy nhanh tốc độ thực hiện các thỏa thuận đã đạt được trong chuyến thăm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đồng thời thảo luận nhiều phương hướng hợp tác mới.

Theo Bộ Ngoại giao, từ năm 2008, Việt Nam và Nga đã thiết lập cơ chế Đối thoại chiến lược Ngoại giao - Quốc phòng - An ninh thường niên cấp Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao; năm 2013 thiết lập cơ chế Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng. Ngoài ra, hai bên tiến hành tham vấn chính trị thường kỳ cấp Thứ trưởng Ngoại giao và cấp Cục, Vụ trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao.

Hai bên đồng quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế như: Liên Hợp Quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)... Việt Nam đã hỗ trợ tích cực để Nga chính thức được kết nạp vào ASEM tháng 10/2010 và tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) từ năm 2011.

thu tuong nga tham viet nam anh 3
Công trình khai thác dầu mỏ của Vietsovpetro, biểu tượng cho tình hữu nghị và hợp tác Việt - Nga. Ảnh: Website Vietsovpetro.

Nỗ lực cho mục tiêu 10 tỷ USD vào 2020

"Quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga đã được thử thách qua thời gian, trở thành tài sản quý báu của nhân dân hai nước, đang phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu với nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực", Đại sứ Việt Nam tại Nga Ngô Đức Mạnh trả lời báo giới hồi tháng 8.

Dù vậy, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Nga thời gian qua được xem là chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước, như thừa nhận của chính Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 10 tỷ USD vào năm 2020.

Lý giải điều này, Đại sứ Ngô Đức Mạnh chỉ ra một số nguyên nhân. Một là, hai bên vẫn chưa có những cơ chế hữu hiệu để phát huy những tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước. Hai là, doanh nghiệp hai nước còn thiếu thông tin về nhau nên chưa có đủ độ tin cậy trong giao dịch thương mại. Ba là, việc thanh toán bằng nội tệ của hai nước vẫn chưa được chấp nhận.

Hiện Nga đứng thứ 23 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 116 dự án và tổng số vốn đăng ký 990 triệu USD. Đầu tư của Nga tập trung chủ yếu vào lĩnh vực dầu khí, công nghiệp chế tạo, khai khoáng, giao thông vận tải, viễn thông, nuôi trồng và đánh bắt hải sản.

"Từ nay đến 2020 thời gian còn lại không còn nhiều, đòi hỏi các cơ quan hữu quan, các doanh nghiệp của hai nước, trong đó có có Đại sứ quán phải hết sức nỗ lực mới đạt được mục tiêu đề ra", Đại sứ Mạnh nói. "Hai bên cần quyết liệt tích cực tìm kiếm những phương thức hợp tác mới, có tính khả thi cao, có lợi cho cả hai bên, đặc biệt cố gắng tạo những điểm đột phá".

Tổng thống Putin đề cử ông Medvedev vào vị trí thủ tướng

Sau khi nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ 4, Tổng thống Putin đã đề nghị ông Dmitry Medvedev tiếp tục đảm nhiệm vị trí thủ tướng Nga. Việc đề cử sẽ được Hạ viện Nga thông qua.

Tổng bí thư đến Moscow, bắt đầu thăm chính thức Nga

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã hạ cánh xuống thủ đô Moscow, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Nga.

Đông Phong

Bạn có thể quan tâm