Quân đội Triều Tiên mạnh hơn dưới quyền Kim Jong-un
Một tổ chức nghiên cứu độc lập cảnh báo, quân đội Triều Tiên đang phát triển mạnh hơn rất nhiều, ngay cả khi nền kinh tế hết sức eo hẹp, đồng thời kêu gọi các biện pháp hiệu quả hơn để đẩy lui mối đe dọa.
>>Triều Tiên không thay đổi chính sách với Hàn Quốc và phương Tây
>>Hình ảnh và video tang lễ nhà lãnh đạo Kim Jong-il
>>Kim Jong-un, người kế nhiệm trẻ tuổi của Kim Jong-il
Chỉ hơn hai tuần sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời, Triều Tiên đã thể hiện rõ chính sách phát triển của đất nước là quân sự, mà theo đó, quân đội được ưu tiên hơn tất cả những lĩnh vực khác.
Reuters trích báo cáo năm 2011 của Viện nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc ở Seoul cho biết, quân đội Triều Tiên hiện có 1,02 triệu binh sĩ thường trực, cùng với một khối lượng lớn tăng thiết giáp, tàu chiến và pháo phòng không. “Thực tế là sẽ không hoàn toàn sai khi nói sức mạnh quân sự của Triều Tiên trội hơn so với Hàn Quốc nếu dựa vào những số liệu cập nhật trong năm 2011”, báo cáo khẳng định.
Các quan chức quân sự Triều Tiên trong lễ tang nhà lãnh đạo Kim Jong-il. |
Dù Triều Tiên có số lượng máy bay chiến đấu ít hơn so với năm 1986 nhưng sức mạnh không kích của nước này đã được nâng cao nhiều nhờ được trang bị loại máy bay chiến đầu phản lực MiG-29 vào những năm 90. Ngoài ra, Triều Tiên hiện đang sở hữu một số lượng đáng kể tàu ngầm.
Trong khi đó, số binh sĩ vũ trang của Hàn Quốc là 700.000, cộng với cả 28.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú, số lượng này vẫn thua xa so với phía Triều Tiên. Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự nhận định, phương tiện chiến tranh của Triều Tiên đều đã lỗi thời và nước này thiếu nguồn cung nhiên liệu nên khó có thể duy trì các hoạt động quân sự lâu dài.
Reuters trích lời các nhà phân tích cho biết, Kim Jong-un, người kế nhiệm nhà lãnh đạo Kim Jong-il đang dần thể hiện sức ảnh hưởng và vị trí của mình trong chính phủ và quân đội. Họ nhận định nhân vật này có thể ra lệnh tấn công quân sự, thử nghiệm tên lửa hay thử nghiệm vũ khí hạt nhân để khẳng định sức mạnh của Triều Tiên cũng như vị trí lãnh đạo của mình. Nhiều khả năng, Kim Jong-un vẫn tiếp tục lãnh đạo đất nước theo chính sách cứng rắn mà cha và ông nội mình đã duy trì khi còn sống.
Trong tuần trước, lời đe dọa biến thủ đô Seoul thành “biển lửa” đã được Bình Nhưỡng lặp lại sau khi Hàn Quốc hạn chế cấp phép cho người dân nước này được tới viếng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il. Đây không phải lần đầu Bình Nhưỡng sử dụng những lời lẽ cứng rắn đối với Hàn Quốc đặc biệt là từ sau khi chính phủ bảo thủ của tổng thống Lee Myung-bak nắm quyền năm 2008.
Hầu hết tài chính của Triều Tiên được đầu tư vào phát triển vũ khí trong đó có vũ khí hạt nhân nên kinh tế quốc gia này hết sức ảm đạm. Ngoài ra, Triều Tiên còn phải chịu lệnh trừng phạt quốc tế từ những năm 2006 vì thử nghiệm tên lửa tầm xa và các thiết bị hạt nhân. Trong những tháng cuối năm 2010, nước này đã công khai các cơ sở làm giàu uranium, quá trình quan trọng để sản xuất bom hạt nhân.
Trong những ngày gần đây, Bộ quốc Phòng Hàn Quốc cho biết, nước này và Mỹ đã kí kết một kế hoạch hoạt động chung nhằm chống xâm lăng đồng thời tăng số lượng các cuộc tập trận cùng với quân đội Mỹ. Bộ này khẳng định những động thái đó hoàn toàn để tự vệ và chống lại những đe dọa từ Triều Tiên.
Trịnh Duy
Theo Infonet