Quân đội Philippines bám sát Trung Quốc ở Biển Đông
Lực lượng Vũ trang Philippines đang theo dõi nhất cử nhất động của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough sau khi có thông tin nước láng giềng bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực này.
Trung Quốc ngày một lấn tới trong tham vọng độc chiếm Biển Đông |
Phó phát ngôn viên của tổng thống – bà Abigail Valte cho hay, từ ngày 6/6, quân đội Philippines không phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy đang có các hoạt động xây dựng của phía Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough. "Tuy nhiên, để đề phòng, chúng tôi sẽ canh chừng sát nhằm phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở đó”, bà Valte cho biết trong một cuộc họp báo diễn ra ngày hôm qua.
Khi được hỏi về việc Philippines sẽ phản ứng theo cách thức như thế nào nếu phát hiện Trung Quốc tiến hành việc xây dựng các cơ sở hạ tầng trên vùng lãnh thổ mà Manila khẳng định thuộc chủ quyền của mình, nữ phát ngôn viên Valte trả lời: “bước tiếp theo sẽ do Lực lượng Vũ trang và Bộ Ngoại giao Philippines đánh giá và đưa ra quyết định”.
Bãi cạn Scarborough là nơi chứng kiến cuộc đối đầu căng thẳng kéo dài hơn 2 tháng giữa Philippines và Trung Quốc hồi năm ngoái. Cuộc khủng hoảng được châm ngòi từ sự kiện tàu chiến Philippines chạm trán với tàu hải giám Trung Quốc ở khu vực bãi cạn này hồi tháng 4/2012. Kể từ đó, tàu Trung Quốc nhất quyết không chịu rút khỏi bãi cạn Scarborough bất chấp nước này có thỏa thuận với Philippines về việc rút toàn bộ tàu thuyền hai bên ra khỏi khu vực sau cuộc đối đầu căng thẳng nói trên.
Điều đáng nói là sau vụ va chạm tàu thuyền hồi tháng 4 năm ngoái, Trung Quốc hiện giờ đang kiểm soát bãi cạn Scarborough, khiến ngư dân Philippines lao đao, khốn khổ vì mất đi ngư trường đánh cá truyền thống. Bãi cạn Scarborough nằm cách đảo chính Luzon của Philippines chỉ khoảng 230km. Trong khi đó, khu vực đất liền gần nhất của Trung Quốc là tỉnh Hải Nam cũng cách bãi cạn Scarborough đến 1.200km.
Hồi tháng 1, Philippines đã quyết định đưa các cuộc tranh chấp giữa họ với nước láng giềng Trung Quốc ở Biển Đông ra giải quyết tại tòa án quốc tế. Manila tuyên bố muốn thức thách thức tính pháp lý của yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò mà Bắc Kinh đưa ra. Theo yêu sách phi lý đó, Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, mở rộng đến tận những khu vực nằm sát bờ biển của các nước láng giềng. Đường 9 đoạn của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và vì thế nó vấp phải sự phản đối dữ dội của các học giả, các chuyên gia trên toàn thế giới.
Bắc Kinh đã phản đối đưa các cuộc tranh chấp ở Biển Đông ra giải quyết ở tòa án quốc tế và hành động này của họ cũng đã chịu sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận thế giới. Một chuyên gia luật hàng đầu của Mỹ từng nói, việc Trung Quốc bác bỏ đề xuất của Philippines khiến họ chẳng khác gì “một kẻ bắt nạt” trong cộng đồng quốc tế.
Theo VnMedia