Quân đội Nga ngừng trang bị súng AK huyền thoại
Bộ Quốc phòng Nga đã quyết định từ chối hoàn toàn các hợp đồng mua súng trường AK-74 trang bị cho quân đội với hai lí do: đất nước có quá nhiều súng Kalashnikovs (AK) và chúng cũng đã lỗi thời.
Nikolai Makarov, Tổng cục trưởng Tổng cục tham mưu lực lượng vũ trang Nga xác nhận: “Đúng là chúng tôi sẽ không trang bị súng AK-74 nữa. Lượng súng AK dự trữ trong các kho đã vượt xa nhu cầu sử dụng của quân đội.”
Tuy nhiên, đó cũng mới chỉ là một nửa của vấn đề. Sở dĩ súng AK bị từ chối bởi nó không còn cạnh tranh được với những loại vũ khí mới hiện nay. Ngoài ra, kích cỡ và trọng lượng cũng là một điểm yếu của AK. Đa số các loại vũ khí hiện nay đều nhỏ, gọn nhưng vẫn có uy lực và độ chính xác cao. Thêm nữa, người ta không thể lắp kính ngắm cho AK mà không can thiệp vào thân súng - điều làm giảm khả năng linh hoạt trong tác chiến.
Súng AK-74 hiện đang được trang bị cho quân đội Nga. |
Súng AK tên đầy đủ là Kalashnikovs, được nhà khoa học quân sự Mikhail Kalashnikov chế tạo vào năm 1947. Súng đã vượt qua các bài kiểm tra và được trang bị cho quân đội kể từ năm 1949. Kalashnikov AK-47 có cỡ nòng 7,62mm là phiên bản đầu tiên của loại súng này. Nó đã trở thành hình mẫu cho các thế hệ súng trường chiến đấu sau này như AKM, AK-74, súng RPK….
Người ta có thể nói AK không phải khẩu súng hoàn hảo, nhưng đây là loại vũ khí đứng đầu thế giới về độ phổ dụng cũng như khả năng tác chiến. Nó đã trở thành chuẩn mực để phát triển vũ khí nhờ thiết kế đơn giản, độ chính xác cao và chiến đấu hiệu quả trong nhiều điều kiện thời tiết, địa hình.
Những người ủng hộ AK thì cho rằng, những hạn chế của nó là “vụn vặt” so với lợi thế loại súng này đem lại. Tuy nhiên, nó không thể làm thay đổi được quyết định của Bộ Quốc phòng Nga trong việc thay thế AK bằng một loại vũ khí khác, có thể là biến thể mới của AK hoặc nhập súng từ nước ngoài.
Quyết định dừng trang bị AK-74 cho quân đội đang được giấu kín với nhà thiết kế vũ khí Mikhail Kalashnikov, bởi nó có thể là cú sốc lớn đối với cha đẻ của loại súng này, nhất là khi ông đã ngoài 90 tuổi.
Hồng Duy
Theo Bưu điện Việt Nam