Sáng 14/7, Bộ Quốc phòng họp trực tuyến tại 133 điểm cầu để triển khai nhiệm vụ cấp bách phòng chống Covid-19. Một trong những nhiệm vụ quan trọng sắp tới của Bộ Quốc phòng là phối hợp với Bộ Y tế tổ chức chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 lớn nhất lịch sử. Chiến dịch được triển khai với mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vaccine Covid-19 trong năm nay.
Bộ Quốc phòng đã thiết lập các kho bảo quản vaccine tại 8 quân khu trên cả nước. Để vận chuyển 113 triệu liều vaccine từ kho đến các địa phương, bộ sẽ huy động hơn 1.300 xe vận tải, tăng cường 562 xe.
Bộ đội tham gia chống dịch Covid-19. Ảnh: Chí Hùng. |
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các bộ ngành thiết lập Sở Chỉ huy Chiến dịch tiêm chủng vaccine với văn phòng đặt tại Bộ Quốc phòng và Cục Quân y để chỉ đạo, điều hành, tổng hợp các số liệu về chiến dịch tiêm vaccine trên toàn quốc.
Chuẩn bị cho đợt tiêm chủng sắp tới, Cục Quân y đã chỉ đạo các đơn vị thành lập 295 tổ tiêm và 91 tổ hồi sức cấp cứu, sẵn sàng triển khai điểm tiêm tại các bệnh viện, bệnh xá sư đoàn, học viện, nhà trường và tổ chức tập huấn tiêm vaccine Covid-19 trong toàn quân.
Đến nay, toàn quân đã được tiêm trên 211.000 liều vaccine, ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và các đơn vị đóng quân tại các vùng dịch.
Học viện Quân y tham gia đánh giá thử nghiệm vaccine Nanocovax và đang thử nghiệm giai đoạn 3 trên 13.000 người.
Sáng 10/7, Bộ Y tế chủ trì lễ phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử Việt Nam. Chiến dịch sẽ được triển khai từ tháng 7 tới tháng 4/2022 tại cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện của tất cả tuyến (các điểm tiêm chủng cố định và lưu động).
Theo Bộ trưởng Y tế, Việt Nam phấn đấu đặt mục tiêu cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022 có thể đạt miễn dịch cộng đồng, đồng nghĩa với việc khoảng 70% dân số Việt Nam phải được tiêm chủng vaccine Covid-19 đủ 2 liều.