“Kiểu phản ứng tự phát như vậy thực sự không có ý nghĩa gì”, ông Joe Phaahla cho biết. Bên cạnh đó, ông cho biết thêm rằng lệnh cấm đi lại của các nước hoàn toàn đi ngược lại các quy định và tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), theo CNBC.
“Chính những quốc gia đang ban hành những phản ứng tự phát và hà khắc này đang phải chống chọi với làn sóng (dịch bệnh) của chính họ”, ông cho biết, Guardian đưa tin.
Đồng thời, ông chỉ trích các quốc gia khác "muốn đổ lỗi" và gán biến chủng này cho Nam Phi, thay vì hợp tác để giải quyết tình hình theo hướng dẫn của WHO.
Nhiều quốc gia đã áp lệnh hạn chế đi lại đối với Nam Phi. Ảnh: AP. |
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Y tế Joe Phaahla cho biết đất nước của ông đã hành động minh bạch bằng cách cảnh báo thế giới về biến chủng B.1.1.529. Song những nước khác đã phản ứng lại bằng việc áp đặt các hạn chế đối với các chuyến bay từ khu vực phía nam châu Phi - điều mà ông cho là “không hợp lý”.
Ông Phaala cho biết các nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến chủng này có thể dễ lây lan hơn. Song vaccine vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa Covid-19 thể nặng do biến chủng này gây ra, ông nói thêm.
WHO đặt tên biến chủng B.1.1.529 là Omicron và xếp vào danh sách "đáng lo ngại", trong khi nhiều hạn chế đi lại mới được áp đặt với người đến từ châu Phi.
Một số quốc gia đã áp đặt lệnh cấm đi lại tạm thời đối với các khu vực miền Nam châu Phi.
Trước mối lo ngại về biến chủng mới, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 26/11 đã thông báo hạn chế đi lại bằng đường hàng không với 8 quốc gia ở châu Phi.
Thái Lan hôm 27/11 cho biết sẽ cấm nhập cảnh những người đến từ 8 quốc gia châu Phi “có nguy cơ cao”, bao gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe.
Trước đó, một loạt các nước bao gồm Anh và Israel cũng đã hạn chế hoạt động đi lại từ Nam Phi và các quốc gia lân cận nhằm ngăn ngừa khả năng lây lan của biến chủng mới.