Ngoại trưởng John Kerry cùng các quan chức cấp cao khác của Mỹ đến Bắc Kinh vào hôm nay để tham dự Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ - Trung – cuộc họp thường niên chính thức giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - diễn ra trong hai ngày 9 và 10/7.
“Sự mập mờ xung quanh yêu sách đường chín đoạn là có vấn đề", một quan chức Mỹ giấu tên tháp tùng ông Kerry nói với AFP.
Tấm bản đồ mới ngang ngược của Trung Quốc với "đường 10 đoạn", "nuốt" hầu hết Biển Đông. |
Mỹ nhấn mạnh nước này không đứng về bên nào trong tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, Washington từng lên án Trung Quốc vì những hành động gây bất ổn và kêu gọi Bắc Kinh duy trì tự do hàng hải trong những vùng biển trọng điểm.
“Chúng tôi muốn Trung Quốc tôn trọng và làm đúng theo những những điều họ đã tuyên bố”, vị quan chức giấu tên đề cập tới việc Bắc Kinh luôn khẳng định nước này tuân thủ các biện pháp hòa bình và ngoại giao để đưa ra các tuyên bố chủ quyền.
Trong khi cộng đồng quốc tế luôn chỉ trích tấm bản đồ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc và Philippines kiện lên Tòa án quốc tế thì Trung Quốc lại ngang nhiên vẽ thành “đường 10 đoạn”. Gần đây, một thẩm phán Tòa án tối cao Philippines gọi bản đồ có “đường 9 đoạn” của Bắc Kinh là "sự gian lận lịch sử khổng lồ".
Philippines cũng tiếp tục lên tiếng phản đối tấm bản đồ mới của Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, Charles Jose cho rằng, việc Trung Quốc xuất bản tấm bản đồ khổ dọc mới là một bước đi sai trái để hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông.
Ông Jose nhấn mạnh: “Hành động của Trung Quốc trái với luật pháp quốc tế. Chính chủ nghĩa bành trướng và tham vọng bá quyền của họ là nguyên nhân gây ra căng thẳng ở Biển Đông”.
Ngoài ra, theo AFP, Trung Quốc còn tranh chấp biển đảo với Nhật Bản, một đồng minh có hiệp ước với Washington. Các quan chức đi cùng Ngoại trưởng Kerry nói họ “hết sức quan ngại” về “việc các bên tuyên bố chủ quyền sẵn sàng sử dụng các lực lượng quân sự, bán quân sự và tuần duyên trong việc thúc đẩy những tuyên bố của họ”.