Theo Washington Monthly, khảo sát do Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ thực hiện đầu năm nay tiết lộ rằng một phần tư quan chức liên bang sẽ thôi việc nếu ông Trump thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Trong số người tham gia, 14% nói chắc chắn sẽ bỏ việc nếu ông Trump vào Nhà trắng, 11% nói họ có thể sẽ thôi việc.
“Nếu Trump trở thành tổng thống vào tháng 11 này, tôi sẽ từ chức trước khi hết tháng 1. Tất cả bạn bè và đồng nghiệp của tôi đều nói họ cũng sẽ làm vậy”, một nhà ngoại giao ở thủ đô với hơn 30 năm kinh nghiệm nói.
Hầu hết những người có khả năng từ chức đều là quan chức trung cấp và cao cấp. Họ là những người đã có đủ số năm kinh nghiệm để nhận được lương hưu và các phúc lợi khác khi xin thôi việc. Những quan chức cấp thấp phải chi tiêu nhiều khoản nên ít có xu hướng bỏ việc hơn.
“Chắc chắn những ai có thể đều sẽ nghỉ. Tuy nhiên, hầu hết những người kiếm được khoản tiền vừa đủ sẽ ở lại và cố gắng chịu đựng, như bất kỳ công việc hành chính nào khác”, một quan chức Lầu Năm Góc từng chiến đấu ở Afghanistan chia sẻ.
“Việc ngoại giao dưới thời Trump sẽ trở nên khó khăn, nguy hiểm hơn bây giờ”, ông nói thêm.
Làn sóng phản đối Trump của các quan chức liên bang bắt nguồn từ những chính sách ngoại giao đi ngược lại lý tưởng của nước Mỹ. Ảnh: iStock. |
Trong bài phát biểu hôm 22/10, ông Trump đã đưa ra kế hoạch hành động 100 ngày sau khi lên làm tổng thống. Rất nhiều trong số những chính sách dân túy mà ‘Tổng thống Trump’ yêu cầu thành viên liên bang thực hiện đi ngược lại suy nghĩ của các thành viên đảng Cộng hòa, đặc biệt là các chính sách ngoại giao.
“Với các chính sách ngoại giao, anh chỉ có thể lên tiếng ủng hộ công khai hoặc xin từ chức. Những chính sách của Trump sẽ gây tổn hại đau thương cho nước Mỹ. Vì thế, tôi chẳng còn cách nào khác là phải từ chức”, một quan chức kỳ cựu ở Bộ ngoại giao nói.
Làn sóng chống lại ông Trump của các quan chức liên bang bùng phát không chỉ bởi các chính sách thiếu chặt chẽ mà còn bởi những tuyên bố ngẫu nhiên, đi ngược với lý tưởng của nước Mỹ.
Các chuyên gia chính sách ngoại giao không đồng tình việc ông Trump thân thiết với Nga, gọi ông Putin là ‘nhà lãnh đạo mạnh mẽ’. Họ cũng nói kế hoạch xây bức tưởng tỷ đô dọc biên giới Mỹ - Mexico, kế hoạch khuyến khích Nhật Bản và Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân, cấm người nhập cư Hồi giáo, là những kế hoạch điên rồ.
Tất nhiên không phải ai cũng bỏ việc. Hai tổ chức công đoàn tuyên bố ủng hộ tỷ phú New York. Lần đầu tiên trong lịch sử, Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ tuyên bố hỗ trợ ông Trump.
Hành động xin nghỉ việc như vậy không hề mới ở Mỹ. Trước đây, nhiều nhà ngoại giao đã từ chức khi ông Bush quyết định can thiệp vào Iraq. Nhiều quan chức cấp thấp cũng thôi việc thay vì ủng hộ chính sách ngoại giao của Mỹ thời chiến tranh Việt Nam.