Trưa 26/12, dù còn hơn một tiếng nữa mới dừng phục vụ tại chỗ, một quán cà phê trên phố Hàng Cót (quận Hoàn Kiếm) bắt đầu thu dọn bàn ghế ngoài vỉa hè và từ chối nhận thêm khách.
Người quản lý cho biết cửa hàng mới khai trương ngày 24/12. Bởi vậy, cô và các nhân viên rất buồn khi nhận thông báo phải chuyển sang bán mang về.
“Tính đến nay, chúng tôi mở cửa chưa tròn 3 ngày. Mà vài ngày qua, quán cũng không phục vụ được nhiều khách vì phải giới hạn chỗ ngồi, đảm bảo giãn cách trong thời điểm dịch bệnh phức tạp”, quản lý nói với Zing.
Quán cà phê mới khai trương ngày 24/12, chưa kịp có lượng khách ổn định. |
Tính đến trưa 27/12, thêm 4 quận trung tâm Hà Nội tạm dừng bán hàng ăn, uống tại chỗ sau khi được liệt vào danh sách khu vực nguy cơ cao - vùng cam, bao gồm quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình và Hoàng Mai.
Việc thay đổi hình thức kinh doanh đột ngột khiến nhiều quán cà phê gặp khó khăn, đặc biệt những cửa hàng mới khai trương ít ngày.
Không kịp đón khách
Vào buổi sáng cuối cùng trước khi quán cà phê ở Hàng Cót chuyển sang bán mang về, nhiều người đã ghé qua để sử dụng dịch vụ tại chỗ.
Tuy nhiên, hầu hết khách hàng đến sau 10h30 phải ngậm ngùi ra về vì quán đã hết chỗ ngồi. Họ chuyển sang mua mang đi hoặc vội vã tìm quán khác.
Phương (25 tuổi), một trong những khách hàng cuối cùng của quán, cảm thấy may mắn khi đến quán từ sớm.
“Nốt bữa cà phê sáng nay, tôi sẽ ở nhà thôi dù vẫn còn vài quận, huyện mở bán tại chỗ. Tình hình dịch bệnh trở nên ngày càng căng thẳng rồi”, cô chia sẻ.
Phương cho biết sau 2 năm chung sống với dịch bệnh, cô đã quen với cảnh thành phố đóng - mở cửa quán xá liên tục. Quận Hai Bà Trưng, nơi sinh sống của cô, đã tạm dừng hoạt động bán hàng ăn, uống tại chỗ từ tuần trước.
Khách hàng tranh thủ sử dụng dịch vụ tại chỗ trước khi quán cà phê chuyển hình thức kinh doanh theo quy định. |
Kể từ ca chiều, quán cà phê sẽ điều chỉnh từ 10 xuống còn 2-3 nhân viên trực tại cửa hàng. Việc cắt giảm nhân sự đột ngột, đặc biệt vào thời điểm sát Tết, gây ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập của đội ngũ nhân viên.
Theo quản lý, hầu hết nhân viên part-time, thường là sinh viên trụ lại ở Hà Nội để làm thêm, phải nghỉ việc để nhường giờ làm cho những người ở vị trí toàn thời gian.
“Hơn nữa, vì mới khai trương ít hôm, đồng thời chưa rõ ngày được mở bán tại chỗ trở lại, tôi thực sự không dám chắc về tình hình kinh doanh trong những tuần, thậm chí tháng tới”, quản lý chia sẻ.
Nỗi lo về doanh thu cửa hàng cũng là điều khiến Hương Anh (29 tuổi) đau đầu. Quán cà phê trên phố Nguyễn Đình Thi (quận Tây Hồ) của cô thậm chí chưa kịp khai trương, mới chạy thử từ ngày 24/12.
“Tôi vẫn phải lo tiền mặt bằng, lương nhân viên… trong khi rất ít khách có nhu cầu mua đồ uống mang về. Ngoài ra, vẫn chưa biết ngày nào được mở bán tại chỗ trở lại”, cô nói.
Hương Anh cảm thấy buồn và lo lắng khi chưa kịp khai trương quán đã phải bán mang về. |
Đây là lần đầu tiên Hương Anh kinh doanh cà phê. Trước đây, cô làm việc trong lĩnh vực thẩm mỹ - một ngành cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Cô quyết định mở quán cà phê vào cuối tháng 9, thời điểm tình hình dịch bệnh dần ổn định và Hà Nội đang triển khai phủ rộng mũi 2 vaccine. Cô không nghĩ rằng thành phố sẽ đột ngột chuyển sang bán mang về như vậy.
“Lúc này, tôi không dám tính xa, chỉ biết cố gắng duy trì đứa con tinh thần”, chủ quán chia sẻ.
Cố gắng thích nghi
11h45 ngày 27/12, Linh Chi, nhân viên một quán cà phê trên phố Đội Cấn (quận Ba Đình), nói lời tạm biệt với những vị khách cuối cùng trước khi tạm dừng phục vụ tại chỗ.
Từ giờ tới khi tan ca, cô và một đồng nghiệp sẽ dọn dẹp bàn ghế, chuẩn bị các sản phẩm bán mang đi như hạt, cà phê túi lọc… Dù tất bật làm việc, nữ barista 22 tuổi vẫn chưa quen với bầu không khí vắng lặng lúc này.
Chia sẻ với Zing, Chi cho biết cô thấy tiếc nuối khi phải dừng đón khách tại quán chỉ sau hơn hai tuần khai trương chi nhánh tại Hà Nội.
“Bàn ghế còn mới, quán mới chỉ tuyển được thêm một nhân viên part-time thì phải bán mang về. Tôi nghe tin này từ một người bạn, ban đầu còn không dám tin đó là sự thật”, cô nói.
Linh Chi trò chuyện với những khách hàng cuối của quán trước khi chuyển sang bán mang về. |
Trước tình hình hiện tại, Chi có chút lo lắng khi phải quán xuyến mọi thứ tại cửa hàng một mình, trong khi quán vẫn còn xa lạ với khách hàng ở thị trường mới.
“Chúng tôi vẫn đang từng bước tìm hiểu gu thưởng thức của người Hà Nội. Tất nhiên, quán có các dòng sản phẩm cà phê từ hạt, đóng chai cho tới túi lọc và take away, song còn ‘lạ mặt’ với thị trường ngoài này”.
Dẫu vậy, nữ barista chỉ mất một ngày để chuyển đổi từ đón khách tại chỗ sang bán mang về. Cô cho biết trong những tuần tới, cửa hàng sẽ giảm giá 20% với khách hàng tới mua take away, hoặc đặt ship qua ứng dụng giao đồ ăn.
Nhờ kinh nghiệm khi đứng quầy tại các chi nhánh ở thành phố Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) và TP.HCM, Chi có thể nhanh chóng chuyển đổi mà không gặp nhiều khó khăn.
“Tôi từng phải tạm nghỉ 4 tháng vì dịch bệnh ở TP.HCM, đã quen với việc hàng mang đi một thời gian. Cơ sở nào cũng có những phương án để đối phó với trường hợp này, nên tôi tin mình có thể thích nghi và vượt qua giai đoạn khó khăn”, Chi cười, nói.
Barista chuẩn bị sẵn các gói hạt cà phê phục vụ khách mua mang đi trong thời gian tới. |
Bước sang ngày thứ 2 bán hàng mang về sau hơn 3 tuần đón khách tại chỗ, anh Cường (29 tuổi), chủ một quán trà Argentina ở phố Tô Ngọc Vân (quận Tây Hồ), thở phào nhẹ nhõm khi thấy việc kinh doanh vẫn ổn định.
Anh nói với Zing rằng từ ít ngày trước, nhiều khách hàng đã chuyển sang mua đồ uống, túi trà take away hoặc gọi ship về tận nhà do e ngại dịch bệnh.
“Trước kia, người nước ngoài sống ở quận Tây Hồ và giới trẻ tới quán khá đông để trải nghiệm không gian và thưởng thức món đồ uống mới lạ. Giờ, họ chủ động mua mang về nên chúng tôi không gặp khó khăn khi chuyển đổi hình thức phục vụ”, anh nói.
Từ khi quyết định đưa thức uống đặc biệt này về Việt Nam và mở cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội, anh Cường đã tính đến trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vì thế, các sản phẩm ở quán đều được thiết kế để dễ dàng mua mang đi.
“Khách với quán ăn như tiệm phở, bún, cơm,… trà hay cà phê có lợi thế hơn khi bán take away. Chúng tôi cũng có sẵn lượng khách là người nước ngoài vốn quen thuộc với thức uống này nên việc kinh doanh vẫn tăng trưởng tốt”.
Dù thế, anh vẫn mong sớm có thể đón khách tại chỗ để thu hút nhiều khách hàng người Việt hơn, đem lại trải nghiệm về đồ uống và dịch vụ chỉn chu nhất.
“Dịch bệnh là tình huống chẳng ai mong muốn, song quán sẽ cố gắng để đảm bảo chất lượng dịch vụ dù bán tại chỗ hay mang đi. Tôi chỉ mong tình hình sẽ sớm ổn định”.
Cửa hàng trà của anh Cường đã sẵn sàng cho việc bán mang về. |