Lượng khách đổ vào các quán cà phê để tránh nắng từ 9h-15h chiều tăng đột biến. Nhiều bạn sinh viên, nhân viên văn phòng,… tranh thủ buổi trưa thường chọn những quán cà phê, trà sữa,… máy lạnh “đóng chốt” cho đến khi không thể ngồi lâu hơn được nữa mới bắt đầu rời quán.
Chạy 3 quán mới có chỗ ngồi cà phê
H.Diệu (sinh viên Đại học KHXH&NV) cho biết nhóm bạn bình thường vẫn tập trung làm việc nhóm, tán gẫu ở sảnh sân trường hay lớp học để chờ buổi học tiếp theo. Nhưng hơn tuần trở lại đây, Diệu và bạn thường xuyên tập trung tại quán cà phê máy lạnh gần trường để tránh nóng.
“Bọn mình ngồi quán cà phê chờ đến giờ học thì đi học, chiều nào không học thì ngồi luôn đến tối mát rồi về. Nhà tận Thủ Đức, học xong không thể đi về nhà nổi vì nắng nóng quá", H.Diệu nói.
Phần lớn quán cà phê khu vực trung tâm kín chỗ tầm 9-15h mỗi ngày do khách trốn nóng. Ảnh: Thái Nguyễn. |
Cũng theo H.Diệu, nếu trước đây các quán khu vực trung tâm quận 1, Hồ Con Rùa chỉ kín chỗ vào cuối tuần thì nay ngày nào cũng chật cứng. Kinh nghiệm trốn nóng ở quán cà phê máy lạnh vào thời điểm này, theo H.Diệu là phải đi thật sớm mới có thể kiếm được chỗ ngồi.
“Có hôm đi cà phê với bạn mà phải chạy 3 quán mới có tìm được nơi còn chỗ. Nhưng mình vào phải ngồi ghép bàn với người khác khá khó chịu. Chính vì vậy mà để có chỗ đẹp ngồi cùng nhau, nhóm mình sẽ cử một thành viên đi trước giữ chỗ, cứ thay phiên nhau như vậy”, H.Diệu cho hay.
Giá thức ăn, nước uống tại các quán này thấp nhất khoảng 40.000 đồng/phần là khá đắt với sinh viên, nhưng các bạn cho biết vẫn chấp nhận “sống sang” để tránh nắng nóng.
Nhiều nhân viên văn phòng khu vực quận trung tâm cũng chia sẻ rất mệt mỏi tìm chỗ trốn nắng buổi trưa.
“Vào giờ trưa thì quán cà phê chật cứng, các quán gần công ty mình nơi nào cũng đông nên chất lượng phục vụ không tốt. Có quán kê thêm bàn ghế phụ để thêm khách, khách cười nói ồn ào, máy lạnh ở mức 16 độ vẫn thấy nóng”, chị Phương, một nhân viên văn phòng ở quận 3 phàn nàn.
Cũng vì vậy mà thay vì ra quán ăn trưa rồi "tá túc" chờ đến giờ làm, cả team Phương lên chiến dịch mang theo cơm ăn trưa tại văn phòng, để không phải đi lại tìm chỗ vất vả.
Theo quản lý một quán cà phê tại quận 1, bình thường quán chỉ kín chỗ vào những ngày cuối tuần, nhưng hơn một tuần trở lại đây lượng khách tăng đột biến. Quán phải kê thêm bàn ghế, thuê bãi giữ xe tạm, hệ thống máy lạnh cũng được sửa và bổ sung mới để đảm bảo phục vụ cho khách.
“Quán có hai không gian, tối đa phục vụ 120 khách ở 3 tầng, nhưng nhiều ngày nay lượng khách đến tăng đột biến, nhiều thời điểm phải kê thêm bàn phụ vì không thể từ chối khách. Cao điểm là 11h-16h mỗi ngày, cuối tuần thường cứ 9h-22h30 quán luôn trong tình trạng full bàn, bảo vệ phải liên tục xin lỗi, từ chối khách”, quản lý quán cho hay.
Nước mát cháy hàng
Tại các “thiên đường ăn uống” như đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), Nguyễn Chí Thanh (quận 10),… nhiều hàng quán phục vụ nước mát, sinh tố, trà sữa buổi tối luôn đông khách xếp hàng chờ mua.
Chị Huệ, chủ cửa hàng nước mát tại quận Tân Bình, cho biết những ngày nắng nóng các mặt hàng nước mát chị bán tăng đột biến. Chị chuyên cung cấp sâm thảo mộc, trà gạo lứt, trà bí đao,… nhưng khách chỉ tập trung mua loại nước sâm thảo mộc với giá 15.000 đồng/chai, vì đây là loại giải khát được ưa chuộng.
Một điểm bán nước sâm luôn hút khách tại đường Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Thái Nguyễn. |
“Khách tập trung mua đông từ sáng sớm, chủ yếu mua mang đi. Có người mua số lượng lớn cho gia đình, đồng nghiệp vào buổi sáng hoặc xế chiều và ngày nào cũng đặt mua đều đặn. Lượng bán ra tại cửa hàng chị Huệ mỗi ngày tăng 50-100 phần so với trước đây", chị Huệ nói.
Các điểm bán nước mía siêu sạch, nước cam, nước trái cây... ven đường Võ Thị Sáu, 3 Tháng 2, Cách Mạng Tháng Tám,… cũng đông nghẹt khách chờ mua vào buổi trưa.
Anh Hoàng, bán nước mía ở quận 10 cho hay anh phải đứng bán liên tục, có thời điểm hơn chục xe máy chờ mua nước mía đứng xe tràn ra đường.
“Chỉ từ 10h trở đi là tôi xay không ngưng tay rồi. Mỗi ngày có khi bán gần 200 ly, nhưng giá vẫn ở mức 5.000 đồng/ly”, anh Hoàng nói.