Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quán bún chả treo biển 'hàng bên là giả mạo': Nên hay không?

Giới chuyên gia cho rằng, do chưa nắm rõ về luật nên chủ cửa hàng treo bảng cảnh báo "hàng bên là giả mạo" lâm vào thế bị động. Trong khi, xét về tình, họ là người chịu thiệt.

Cuối tuần nào chị Trần Thị Khánh Huyền (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng đến ăn bún chả ở quán Đắc Kim (tại địa chỉ số 1 Hàng Mành). Gần đây, thấy chủ quán treo thông báo tố cửa hàng bên là giả mạo khiến chị Huyền bức xúc. 

Chị cho rằng, việc nhân viên cũ ngang nhiên "ăn cắp công thức chế biến" cũng như mở cửa hàng liền kề và lấy trùng tên chỉ dẫn là sai. Ủng hộ với cách xử lý của chủ quán bún chả Đắc Kim, chị Huyền cho rằng, việc treo biển tố giác là cần thiết. Theo chị, việc mở quán ăn của nhân viên cũ là "ăn cháo đá bát", không tôn trọng chủ cũ.

Biển hiệu ghi "Cửa hàng bún chả số 1 Hàng Mành bên cạnh là giả mạo". Ảnh: Ngọc Lan.

Không đồng tình với ý kiến của chị Huyền, anh Bùi Công Hùng (Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, chủ quán bún chả ở phố Hàng Mành treo biển nội dung tố giác là hơi mạnh tay. 

Theo anh Hùng, trong trường hợp này, từ “giả mạo” trong nội dung biển hiệu là quá nặng, không nên ghi nội dung như vậy. Điều này sẽ khiến khách nước ngoài có cái nhìn không tốt về văn hóa kinh doanh ở Việt Nam. Anh gợi ý, thay vì sử dụng từ "giả mạo", chủ quán có thể khẳng định là bún chả gia truyền, chính hiệu hoặc quảng cáo trên web cá nhân.

Theo dõi sự việc trên, anh Nguyễn Khánh Huy (Mỹ Đình, Hà Nội) cho rằng, nội dung ghi trên biển hiệu của cửa hàng bún chả có thể là một chiêu kinh doanh. Với văn hóa “buôn có bạn, bán có phường” ở Việt Nam, thì việc các quán cùng thương hiệu, mở giáp nhau để cạnh tranh là chuyện hết sức bình thường. Chủ quán không nhất thiết tạo ra biển hiệu kỳ lạ với mục đích tố giác cửa hàng bên cạnh là giả mạo.

Marketing bún bò bằng bảng nội quy độc qua ảnh hí họa

Đưa nội quy khiến khách không thể nhịn cười, chủ quán bún bò ở TP HCM đã thành công với chiêu marketing không tốn kém. Quảng cáo "lạ" là cách nhiều cửa hàng đang áp dụng.

“Với vai trò khách hàng, khi nhìn biển hiệu được treo khắp quán, tôi cho rằng chủ quán đã suy nghĩ hơi tiêu cực chăng, hay đây là cách kích thích sự tò mò của mọi người?”, anh Huy nghi vấn.   

Thực tế, theo lời chị Linh, đại diện cửa hàng bún chả Đắc Kim, việc treo biển cảnh báo của đơn vị này là bất đắc dĩ. Chị chia sẻ, cửa hàng kinh doanh của gia đình chị đã có từ lâu đời, song hiện tại lại bị đơn vị khác cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, cửa hàng treo biển cảnh báo để khẳng định thương hiệu, đồng thời giải thích cho khách, đặc biệt là khách nước ngoài về những gì đang diễn ra. 

"Hoàn toàn không có chuyện chúng tôi tranh giành khách hàng của cửa hàng bên cạnh mà chính họ đang cạnh tranh không lành mạnh", chị khẳng định.

Đánh giá về sự việc trên, Thạc sĩ Trần Phan Anh, chuyên gia e-marketing cho rằng, trong cạnh tranh thương hiệu việc bị làm nhái, giả mạo là điều hoàn toàn bình thường. Trong trường hợp này, xét về cả lý và tình, chủ quán bún chả treo biển cảnh báo lạ luôn bị thiệt, bị động. Theo pháp lý, quán bún chả nói trên thể vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh và Luật Quảng cáo.

Chưa nắm vững kiến thức về luật nên nhiều cở sở kinh doanh lâm vào tình trạng bất lợi khi bị làm nhái. Ảnh: Ngọc Lan.

Vị chuyên gia phân tích, theo khoản 22, điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ, biển hiệu “số 1 Hàng Mành” trong tình huống này là khái niệm “chỉ dẫn địa lý” (Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể). Vì vậy, thuật ngữ “số 1 Hàng Mành” là chỉ dẫn địa lý, thuộc sở hữu chung của khu vực và địa phương. Những người kinh doanh tại địa chỉ này có quyền được treo biển theo thuật ngữ trên nhưng không được bảo hộ quyền đăng ký nhãn hiệu kinh doanh.

Do không nắm rõ và chú trọng về vấn đề pháp lý của Luật Sở hữu trí tuệ nên trong nhiều trường hợp, chủ hàng kinh doanh chân chính lại tự đẩy mình vào thế bất lợi. Những cơ sở kinh doanh không đăng ký bảo hộ hoặc không được đăng ký theo tên đặc biệt (tên đường, địa danh, tên lạ,..), khi bị “làm nhái” sẽ không có căn cứ để bảo hộ cho mình.

"Trong trường hợp này, quán bún chả mang thương hiệu Đắc Kim hoàn toàn ở thế bất lợi. Và có một thực tế, khi có nhiều quán mọc lên, cạnh tranh cao hơn, khách hàng sẽ được lợi. Họ có quyền lựa chọn với mức giá cạnh tranh nhất có thể", chuyên gia này nhận định.

Luật sư Phùng Viết Vĩnh, Giám đốc công ty luật VINAWIN bày tỏ, thực tế, thương hiệu của cửa hàng bún chả Đắc Kim đã bị quán bên cạnh xâm phạm. Nhưng chiếu theo quy định của pháp luật, cửa hàng được cho là "giả mạo" không vi phạm luật. Và cơ quan có thẩm quyền sẽ không có đủ căn cứ giải quyết quyền lợi cho chủ cửa hàng bún chả Đắc Kim. 

Hơn nữa, nếu các biểu hiện, căn cứ vi phạm của chủ hàng bún mới mở không cụ thể, rõ ràng thì quán bún chả thương hiệu Đắc Kim rất có thể bị kiện. Việc treo biển nói trên được cho là mang tính chất gièm pha, gây rối hoạt động kinh doanh, quy định tại Điều 39, Luật Cạnh tranh.

Luật sư cho rằng, trong trường hợp này, cửa hàng bún chả Đắc Kim phải tự bảo vệ thương hiệu của mình. Một số giải pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp: giải quyết nội bộ, giữ bí mật công thức chế biến, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, thiết kế cửa hàng, lấy lòng tin khách hàng qua chất lượng món ăn cũng như phục vụ.

"Trong thị trường cạnh tranh khốc liệt, cơ sở kinh doanh nên tham vấn ý kiến pháp lý của luật sư hoặc tìm hiểu về pháp luật để tìm ra lợi thế cho mình. Đồng thời, nên thay đổi tích cực cách thức kinh doanh, vượt lên đối thủ cạnh tranh, tránh tình trạng 'mất bò mới lo làm chuồng'", luật sư Vĩnh cho biết.

Biển hiệu 'cửa hàng bên là giả mạo' kỳ lạ của quán bún chả

Một cửa hàng bún chả trên đường Hàng Mành (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã treo biển hiệu kỳ lạ để khẳng định thương hiệu gia truyền. Tấm biển khiến cho khách trong và ngoài nước tò mò.

Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm