Suốt 3 năm qua, quán ăn có tên Goldhill Family trên Đại lộ Hougang 3 vẫn bán món “cai fan”, gồm một loại thịt và một loại rau, với giá 1,4 USD, theo AsiaOne.
Guo Fu Cai, chủ quán ăn có tuổi đời 37 năm, bộc bạch rằng mình không kiếm đủ để trang trải các khoản chi phí phát sinh trong thời gian gần đây.
“Hiển nhiên là chúng tôi sẽ kiếm được ít hơn khi bán đồ ăn rẻ hơn những nơi khác. Trong những thời điểm tồi tệ, chúng tôi làm điều này vì khách hàng của mình”, người đàn ông 59 tuổi chia sẻ.
Nhiều người dân Singapore vẫn có cơ hội được thưởng thức bữa trưa giá rẻ trong giai đoạn khó khăn. |
Tuy lợi nhuận thấp, chủ quán cho biết không có ý định tăng giá trong tương lai gần. Đồng thời, ông hy vọng hành động này sẽ thu hút được thêm các khách hàng mới.
Ngay cả những khách quen của quán cũng ngạc nhiên khi giá của món “cai fan” ở đây vẫn được giữ nguyên trong suốt đại dịch Covid-19.
Những món ăn có giá cả phải chăng tại Goldhill Family đã thu hút lượng lớn nhân viên văn phòng và dân cư tìm tới vào bữa trưa.
Bà Wu Shan, 64 tuổi, cho biết bà tới quán mỗi ngày để mua cánh gà với giá 0,7 USD và nhận xét đồ ở đây rẻ hơn hầu hết quán bán “cai fan” khác.
Một vị khách quen họ Huang đã ăn tại quán 12 năm chia sẻ: “Tôi thấy cơm mềm và ngon, món cánh gà ở đây không bao giờ ngán”.
Không chỉ giá cả, chất lượng thức ăn tại quán cũng là lý do níu chân nhiều thực khách. |
Hiện nay, rất khó để có thể mua được cơm ở ngoài hàng với giá 1,4 USD ở Singapore.
Ngày 15/7, một người bán hàng rong tại khu ẩm thực Kopitiam của Plaza Singapura đã phải tăng giá cơm thịt lợn quay của họ lên 40% từ 4,2 USD lên 5,8 USD, vì chi phí dầu ăn, thịt lợn và điện tăng.
Một người dùng kêu ca về việc “cai fan” có giá không thống nhất. Người này đã phải trả 4,6 USD cho một phần thịt và rau trong khi giá trên menu chỉ có 2 USD, theo Reddit.
Vào tháng 6, một người dùng khác chia sẻ rằng anh đã phải trả tới 8 USD thay vì 4,3 USD như dự kiến cho đồ ăn tại một quán ở Ang Mo Kio.
Lạm phát tại Singapore đã tăng lên 4,4% trong tháng 6. Dữ liệu cho thấy giá dịch vụ, thực phẩm, bán lẻ và tiện ích đã tăng mạnh, theo The Straits Times.
Do giá của dịch vụ ăn uống và thực phẩm chưa qua chế biến tăng nên tình hình lạm phát của ngành thực phẩm Singapore cũng tăng từ 4,5% vào tháng 5 lên 5,4% trong tháng 6.