Quán ăn của Ôn Vĩnh An (31 tuổi) có mặt tại khu chợ Phùng Hưng (quận 5, TP.HCM) được hơn 25 năm. Ban đầu, quán do bà ngoại An mở chỉ là chiếc xe đẩy với vài bộ bàn ghế con đặt ở lề đường. Dù thực đơn phong phú, món ăn đặc sắc, quán không được thực khách nhớ đến vì không có tên, biển hiệu.
Sau khi bà ngừng bán, quán được truyền cho mẹ An. Học được tay nghề của người đi trước, bà mở rộng việc buôn bán, thêm món vào thực đơn, nhưng tiệm vẫn chưa để lại nhiều dấu ấn ở khu chợ Phùng Hưng nổi tiếng, vốn được ví như "thiên đường ăn vặt" ở Sài Gòn.
Cái tên Khổ Qua Cà Chớn của quán do anh Ôn Vĩnh An đặt cách đây 7-8 năm. |
Sau nhiều năm, tới lượt An tiếp quản cửa hàng. Năm 2013, cái tên Khổ Qua Cà Chớn ra đời, biến tấu của "khổ qua cà ớt" - món ăn quen thuộc của người Hoa, xuất xứ từ Singapore, cũng là món làm nên thương hiệu của từ đời bà, mẹ của An.
“Hồi trước quán mình bán từ 21h đến 3-4h sáng hôm sau. Sau này, mới chuyển qua bán buổi chiều đến khoảng 22h. Vì thay đổi giờ mà trong khu vực có nhiều quán ăn cũng bán các món tương tự, khách hay đi nhầm nên bạn bè gợi ý cho mình cái tên này để phân biệt”, An giải thích với Zing.
"Ngoài ra, cụm từ 'cà chớn' cũng mang lại một cảm giác rất hài hước, rất đùa giỡn, rất dễ thương, nhưng lại rất Sài Gòn", An nói thêm.
Hút khách nhờ tên độc
Khoảng 17h thứ 2, gần 10 bàn ăn tại quán của An đã không còn chỗ ngồi. Khách vào ra liên tục cho đến tận 22h. Vào những ngày cuối tuần, khách còn đông hơn. Nhiều người sẵn sàng xếp hàng chờ tới lượt.
“Từ ngày có cái tên này, quán đông hơn hẳn. Mỗi ngày mình bán được khoảng 300 phần khổ qua cà ớt. Ngoài khách quen xưa giờ là những người Hoa sống trong khu vực, mình còn có thêm khách là học sinh, sinh viên, các bạn trẻ ở xa tìm đến vì tò mò cái tên lạ”.
Cái tên có một không hai là yếu tố đầu tiên giúp tiệm ăn được chú ý. Tuy nhiên, để giữ chân khách hàng, tên độc thôi chưa đủ.
“Cái quan trọng nhất vẫn là món ăn phải ngon, phải chất lượng. Tiếp đến chính là thái độ phục vụ của mình”.
Hiện tại, Khổ Qua Cà Chớn bán 8 món chính. Ngoài khổ qua cà ớt, quán còn bán xôi mặn, bánh bột, hoành thánh sườn sụn, cảo chiên, mì sườn kho với giá từ 35.000 đến 60.000 đồng/phần.
“Nguyên liệu, thực phẩm chế biến các món ăn ở đây đều do mình tự tay chọn lựa kỹ càng. Quán ăn vỉa hè bán với giá phải chăng, nhưng không phải vì vậy mà có thể làm bừa, làm ẩu”.
Khổ Qua Cà Chớn mở cửa từ 16h đến 22h tất cả ngày trong tuần. |
Anh Chí Trung (40 tuổi, ngụ ở quận 5) thường xuyên dẫn con gái tới Khổ Qua Cà Chớn. Ban đầu, hai cha con chỉ tìm tới vì ấn tượng cái tên dễ thương. Về sau, thấy ăn hợp khẩu vị, gia đình anh thường tới đây mỗi dịp cuối tuần.
“Món ăn ở đây ngon, đa dạng mà chủ quán cũng rất vui tính, nhanh nhẹn. Ngoài khổ qua cà ớt, món hoành thánh lá sườn sụn cũng rất ngon. Nước dùng đậm đà vừa miệng, miếng sườn sụn mềm tan trong miệng”, vị khách nói.
Giống anh Trung, anh Cao Thi và bạn gái (cùng 26 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cùng là khách quen của quán.
"Mỗi lần tới đây mình ăn 2 phần. Phần nước với mỳ, phần khô chiên giòn, gồm khổ qua, cà tím, ớt đỏ, đậu đũa dồn chả cá. Miếng nào miếng đó ú nu, cắn ăn mà ghiền. Nước dùng thanh ngọt, đậu hũ chả cá ăn kèm mì sợi dai dai. Tối thứ 6 đi vòng vòng thành phố, kiểu gì cũng phải ghé chợ Phùng Hưng, vô Khổ Qua Cà Chớn ăn 2 tô. Ăn xong gọi thêm phần bánh khoai môn tráng miệng", anh Cao Thi nói.
Món khổ qua cà ớt đặc trưng của quán. |
Chiếc xe đẩy nuôi sống 3 thế hệ
Là khách ruột của Khổ Qua Cà Chớn từ 15 năm trước, chị Nhã Tuệ (32 tuổi) cho biết sau nhiều năm, hương vị các món ăn ở quán vẫn không hề thay đổi.
“Mình sống trong khu này, rồi ăn ở đây từ thời còn con gái. Hiện mình lấy chồng ở quận Tân Bình và đã có hai con. Hầu như tuần nào cũng chở các bé sang đây ăn mì sườn và cảo chiên. Các bé rất khoái mấy món này, còn mình thì có dịp về thăm khu nhà cũ, thưởng thức món ăn mùi vị thân thương”, chị Tuệ kể.
Bắt đầu phụ mẹ bán quán từ năm 7-8 tuổi nhưng anh An cho biết chưa từng nghĩ sẽ nối nghiệp gia đình. Thế rồi, bôn ba nhiều năm, làm hết nghề này sang nghề khác, anh vẫn trở về với chiếc xe đẩy của ngoại.
Từ 17h đến 20h là lúc quán đông khách nhất. |
“Đúng là nghề chọn người nên sau hơn 10 năm, mình vẫn cảm thấy rất vui với công việc này. Bằng chiếc xe đẩy bán khổ qua, ngoại nuôi lớn mẹ, mẹ nuôi mấy anh em, giờ lại tới thế hệ mình".
Để không quên nguồn gốc Khổ Qua Cà Chớn, dù đã có quán với bàn ghế ngồi trong nhà, An vẫn giữ chiếc xe đẩy bà và mẹ truyền cho.
“Nhiều người hỏi vì sao đông khách vậy mà không mở quán lớn hơn. Nhưng thực sự mình vẫn muốn giữ như vậy, cảm giác nhẹ nhàng, ít gò bó. Ngoài ra, chiếc xe đẩy này như vật gia truyền, mình không nỡ bỏ. Nhiều khách tới ăn nhìn chiếc xe cũng thấy thân thuộc, bình dân, cảm giác ăn hàng nhưng như được bà, mẹ nấu cho ở bếp nhà”, anh An nói.
Thay vì nghĩ nhiều đến việc mở rộng cơ sở kinh doanh, chủ tiệm ăn 31 tuổi này lại thường trăn trở việc lưu giữ hương vị các món ăn đặc trưng của quán.
“Khi nấu và bán những món của người Hoa, mình vẫn luôn cố gắng làm theo công thức gốc. Đó không chỉ là các món ăn đơn thuần mà còn là một nét văn hóa tuyệt vời cần được giữ gìn”.