Quỷ hầu vùng Bắc Mỹ
Các báo cáo đầu tiên xuất hiện vào năm 1934 ghi nhận về một loài động vật nguy hiểm liên tục được nhìn thấy ở Pittsburgh, bang Tennessee. Các nhân chứng kể lại, khi thám hiểm trong rừng, họ đã thấy một con vật di chuyển ngang qua mặt với tốc độ sấm sét.
Nó nhanh chóng nhảy lên cây trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Độ cao của cú nhảy này lên tới 4 m. Theo mô tả, sinh vật này có lông màu trắng bạc và xám, cùng lớp lông bờm dày, khuôn mặt giống khỉ đầu chó nhưng kích thước cơ thể lớn hơn nhiều, dài gần 2 m.
Hình vẽ quỷ hầu từ miêu tả của các nhân chứng. |
Năm 1959, tài xế Boyd ở Saltville, trong lúc lái xe chở con gái cùng vợ qua ngọn núi để vào thị trấn đã bị sinh vật kỳ lạ trên tấn công. Từ trên cây, một con khỉ đầu chó khổng lồ bất ngờ nhảy vào xe của Boyd, đập liên hồi vào nóc xe khiến Boyd luống cuống, đâm vào lề đường.
Ông hoảng hốt gọi cho cảnh sát, nhưng khi mọi người có mặt thì sinh vật hình khỉ đã biến mất. Trên nóc xe còn để lại rất nhiều vết thủng chứng minh cho sức khỏe phi thường của ác thú. Con gái của Boyd kể lại trong hoảng sợ: “Nó có lớp lông màu trắng bạc, khuôn mặt giống khỉ, nhưng nó đứng trên hai chân như con người, miệng phát ra những âm thanh ghê rợn”.
Miêu tả kích thước của Quỷ hầu theo mô tả của nhân chứng. |
Vài ngày sau khi sự kiện này, hai y tá ở khu vực Saltville khi lái xe về nhà cũng bắt gặp “con khỉ khổng lồ” băng qua đường. Trong đêm tối, 2 cô gái quan sát con vật và phát hiện chúng di chuyển rất lạ lùng. Thay vì chạy chúng lại nhảy từng bước dài bằng 2 chân sau, 2 chân trước co lên tạo thành dáng đứng thẳng. Sau khi con vật biến mất trong đêm tối, một âm thanh như tiếng hú của sói rừng vang lên rất ghê rợn.
Quá hào hứng trước những thông tin về sinh vật lạ, hai nhà khoa học Rene Dahinden và John Green quyết định thám hiểm khu rừng rậm xung quanh Saltville. Trong chuyến thực địa, cả 2 đã thu thập nhiều bằng chứng về sự tồn tại của con quái vật: xác thú rừng bị tha lên cây cao gần chục mét trong đó có nhiều con vật lớn như nai, heo rừng... Ở bên cạnh những xác thú rừng này, 2 nhà khoa học cũng phát hiện thấy một số nhúm lông màu trắng cùng những dấu chân cách xa nhau.
Trong năm 1973, nhà tự nhiên học Loren Coleman đã công bố bản điều tra Rất nhiều người nông dân ở Albany, Kentucky đã bị mất gia súc, ruộng vườn bị phá nát bởi một con vật giống khỉ đầu chó. Coleman sau đó hợp tác với Animal Planet để làm một phóng sự về sinh vật bí ẩn trên.
Quỷ hầu có vẻ ngoài vô cùng đáng sợ. |
Vào năm 1979, một loạt các nhân chứng đã nhìn thấy một con khỉ khổng lồ đứng thẳng đi trong khu vực đường vành đai Booger, vùng nông thôn Georgia. Một nhân chứng nữ mô tả: "Đây là con vật xấu nhất mà tôi từng thấy, nó có đuôi, mặt khỉ lai chó nhưng đứng thẳng như người, nó không đi mà nhảy bước với tốc độ rất nhanh." Báo chí ngay lập tức đẩy câu chuyện lên trang nhất và đặt cho con quái vật một cái tên: Devil Monkey (hay Quỷ hầu).
Từ đây, Quỷ hầu được ghi nhận có mặt ơ khắp mọi nơi ở Bắc Mỹ, thậm chí ở những vùng rất lạnh như Alaska. Đa số các báo cáo miêu tả có một con quái vật tấn công vật nuôi ở các trang trại gần rừng.
Sinh vật tàn ác ấy mang khuôn mặt khỉ đầu chó, cơ thể khổng lồ, chân có móng vuốt dài, tai nhỏ, mắt dữ, di chuyển nhanh và nhảy cao. Nhiều người bỏ thời gian trùy lùng tung tích của quỷ hầu và phát hiện ra một điều thú vị, mọi nơi sinh vật này xuất hiện đều quay quanh dãy núi Appalachian. Đây là một vùng hoang sơ, hiểm trở và còn nhiều điều bí ẩn với con người.
Ghi nhận gần đây nhất là vào ngày 12/1/2006 nhưng khác với những lần trước, quỷ hầu hiện diện ngay tại thành phố công nghiệp Chicago. Nhiều nhân chứng phát hiện con vật này đã xé xác chú chó nhà tội nghiệp. Sau khi hành sự, quỷ hầu nhảy nhanh vào rừng trước sự sợ hãi của mọi người. Mọi người miêu tả lại nó có mắt sáng, bộ lông trắng, đứng thẳng như người nhưng có khuôn mặt giống chó, cùng đuôi rất dài.
Lý giải của khoa học
Nhiều nhà khoa học tin rằng, con vật mà nhiều người nhìn thấy chính là sói Bắc Mỹ. Loài này rất phổ biến, số lượng đông, dáng lớn và rất nhanh nhẹn, có mõm hẹp, tai nhọn như khỉ đầu chó. Sói Bắc Mỹ còn biết đứng trên hai chân để giả làm con người, rồi nhảy từng bước như kangaroo.
Chó sói Bắc Mỹ là nghi phạm hàng đầu cho vụ quỷ hầu. |
Loài thú ăn thịt này rất tháo vát, lắm mưu mô, là kẻ đi săn gan dạ, thông minh, có khả năng thích ứng rất tốt. Do đó dù đối diện với sự phát triển của loài người, nhưng sói Bắc Mỹ vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay. Điều này có thể giái thích vì sao quỷ hầu lại được chứng kiến ở rất nhiều nơi đến như vậy.
Sói Bắc Mỹ có lối sống cộng đồng phức tạp, khi già, hoặc mắc bệnh truyền nhiễm sẽ tự động tách đàn và tấn công con người. Trong lịch sử, không ít lần cư dân ở đây bắt được những con sói Bắc Mỹ to lớn tấn công hàng loạt vào đàn gia súc như cừu và dê.
Sói Bắc Mỹ còn được biết đến là là một trong những loài có tiếng hú ấn tượng nhất của lục địa Bắc Mỹ. Loài này không sủa như chó nhà mà chỉ cất tiếng tru ăng ẳng vang đi rất xa, nghe ghê tai và đáng sợ. Tiếng tru này có tác dụng thu hút bạn tình và làm khiếp vía đối thủ.
Một điều quan trọng hơn, tại vùng Chicago, cho sói Bắc Mỹ có số lượng tới hàng trăm, thậm chí hơn một nghìn con chó sói sống tại các vùng đất trống quanh đây. Các con chó sói có mặt ở khắp mọi nơi, kể cả trong các công viên hay khu công nghiệp hoặc xen kẽ giữa vùng dân cư, khu thương mại.
Chúng có thể đứng bằng hai chân và bật nhảy rất xa chẳng thua gì một con Kangaroo. |
Theo nhà nghiên cứu Mark Hall, quỷ hầu chỉ là một biến thể những câu chuyện về ma cà rồng. Báo chí đã góp phần thổi phồng những truyền thuyết đô thị này làm nhiều người dân bị ám ảnh. Trong đêm tối, ở nơi hoang vắng, họ đã nhìn nhầm những con sói thành loài quỷ hầu ghê gớm.
Thế nhưng sự giải thích trên cũng không ngăn được nhiều người ham mê thám hiểm. Họ tin rằng, đây là một loài sinh vật mới hoàn toàn và việc phát hiện ra nó chỉ là vấn đề thời gian. Nhiều trang web được lập ra để mọi người cùng chia sẻ, tìm hiểu thông tin về quỷ hầu. Thậm chí hàng năm rất nhiều cá nhân, tổ chức tham gia lùng sục vùng rừng núi Appalachian với hi vọng tìm thấy dấu tích sinh vật huyền bí này.