'Quái vật hạt nhân' vẫn ám ảnh cuộc sống quanh Fukushima
Không chỉ đương đầu với những khó khăn chung của nước Nhật sau đại thảm họa, người dân sống ở những ngôi làng ven nhà máy điện Fukushima còn luôn bị đe dọa bởi phóng xạ thoát ra từ các lò phản ứng.
>>Bé gái được cứu sống trong sóng thần Nhật Bản gặp lại ân nhân
>>Nhật Bản lặng lẽ tưởng niệm nạn nhân động đất sóng thần
Một năm sau ngày thảm họa kép động đất kèm theo sóng thần ập xuống đầu người dân Nhật Bản nhưng cuộc sống vẫn còn rất nhiều ngổn ngang. Trong khi nhiều khu vực trên đất nước Mặt trời mọc đã dần dần ổn định được cuộc sống thì tình hình ở những ngôi làng ven nhà máy điện hạt nhân Fukushima vẫn chất chồng những khó khăn và nguy hiểm bởi lượng phóng xạ độc hại thoát ra từ các lò phản ứng bị hư hại.
Đo phóng xạ ở những khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima. |
Trận sóng thần kinh hoàng hôm 11/3/2011 với độ cao lên tới hàng chục mét đã dẫn đến sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Các chất phóng xạ bị phát tán vào không khí, đất, nước tại các vùng xung quanh nhà máy sau khi các lò phản ứng phát nổ. Các chất phóng xạ bị nhiễm vào cây trồng hoăc được động vật hấp thụ, đe dọa trực tiếp tới cuộc sống của người dân tại các làng xung quanh nhà máy.
Làng Iitate nằm trong lòng thung lũng đầy thông xanh, cách nhà máy Fukushima khoảng chừng 30km về phía Tây Bắc. Đây là vùng đất vốn bình dị và phong phú, một nơi lý tưởng để trải nghiệm cùng thiên nhiên. Thế nhưng giờ đây, đứng trước nguy cơ nhiễm phóng xạ cao, chính quyền Iitate bắt buộc phải di dời hơn 1.200 hộ dân. Họ đã đề ra các biện pháp như nạo vét bề mặt đất, nổ mìn để phá hủy các công trình xây dựng như đường, trường học, thậm trí các ngọn núi xung quanh vùng do nghi nhiễm phóng xạ.
Trong khi đó, một số người dân trong vùng vẫn cố bám trụ, ông Nobuyuki, 68 tuổi và vợ là một ví dụ. Ông giải thích: “Trước khi nghỉ hưu, tôi mong muốn sau này sẽ cùng vợ an dưỡng tuổi già ở đây, trồng những luống rau xanh tốt, và vườn cây sai trĩu quả trên chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Chúng tôi sẽ nhất định không đi đâu cả”. Ngoài ông Nobuyuki, những người dân khác vẫn quyết định bám trụ dù được khuyến cáo về độ nhiễm phóng xạ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe.
Ngày 11/3 vừa qua, đất nước Nhật Bản nói riêng và cả thế giới nói chung đã tưởng niệm các nạn nhân xấu số trong thảm họa động đất. Tuy một năm đã trôi qua, nhưng tới giờ chính quyền nước này cũng chưa xác định rõ được mức độ an toàn của phóng xạ cho người dân.
Các vùng trồng lúa gạo trong khu vực xảy vụ nổ hạt nhân ban đầu được công bố là vẫn có thể sử dụng được nhưng sau khi có các xét nghiệm bổ sung thì chúng lại chứa mức phóng xạ cao hơn bình thường. Nhiều người dân sống ven lò phản ứng hạt nhân cho biết: “Cuộc sống của chúng tôi bị đe dọa từng ngày, từ những thứ thiết yếu cho cuộc sống như nước, gạo, thực phẩm đều có nguy cơ nhiễm phóng xạ cao, và giờ đây chúng tôi chưa thể định hình được cuộc sống trong tương lai”.
Dù các nỗ lực nhằm kiểm soát cơn ác mộng hạt nhân của các nhà chức trách và chuyên gia Nhật Bản vẫn đang được tiến hành nhưng chắc chắn sẽ mất nhiều năm nữa để cuộc sống của những người dân ở quanh nhà máy trở lại bình thường.
Đặng Tân
Theo Infonet.vn