Ông cũng từng viết tờ trình lên... Liên Hiệp Quốc đề nghị giải pháp chống sự hình thành bão trên Thái Bình Dương
Nhiều “sáng kiến khùng” của ông chẳng ai đoái hoài, nhưng có cái cũng đã đi vào thực tiễn. Ông là Phó tiến sĩ Hồ Bá Quỳnh.
Ông Hồ Bá Quỳnh. |
Những ý tưởng chẳng giống ai
Hậu duệ dòng họ Hồ nổi tiếng ở làng Quỳnh Bảng ấy nửa đùa nửa thật: “Giai đoạn tôi đề xuất các đề tài nhằm... bảo vệ loài người, kinh tế đang khó khăn, giờ đây kinh tế thế giới, kinh tế nước mình khá hơn rồi thì có thể đem ra áp dụng được”.
Nói rồi, ông lò dò vào phòng ngủ lục tung mớ giấy tờ hỗn độn nằm xếp xó mấy năm nay đưa tôi xem một loạt tờ trình. Tờ trình số 154/2010-HBQ ông viết ở Sài Gòn gửi Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc “chống sự hình thành một số cơn bão trên Thái Bình Dương” đã khá lâu lắm rồi, ông Quỳnh cứ ấm ức vì sao không có hồi âm?
Phó tiến sĩ Hồ Bá Quỳnh (ông có học vị Phó tiến sĩ kinh tế 1994) tặc lưỡi, “nếu chống bão theo phương pháp của tôi, không để bão hình thành, thì chẳng phải chạy đi đâu cho mệt”.
Cái phương pháp của ông nêu ra nghe cũng ngộ. Ông lý sự: “Bão thường hình thành trên biển, ở chỗ nước nông. Mặt trời chiếu xuống mặt biển khiến nước biển ấm lên, bốc hơi, tụ thành bão.
Muốn chấm dứt sự hình thành các cơn bão ở đây thì theo tôi chúng ta nên mang một loạt cọc thép không gỉ đóng xuống biển, trên mỗi đầu cọc giằng dây như ta bắc giàn mướp rồi lắp vào đấy những tấm pin mặt trời. Như vậy, sẽ hạn chế được hơi nóng tỏa ra từ mặt biển, bão sẽ không hình thành ở đó nữa”.
Phó tiến sĩ Hồ Bá Quỳnh cũng gợi ý là thí điểm thành công thì có thể “nhân rộng ra các nơi khác, những nơi hình thành nhiều cơn bão. Năng lượng thu được từ pin mặt trời sẽ dùng làm khối việc hữu ích. Ông cũng nhấn mạnh rằng “dự án rất tốn kém, đòi hỏi cả thế giới cùng vào cuộc”.
Tôi đang say sưa nghe ông thuyết giảng thì bà vợ đi từ trong bếp ra nói oang oang: “Thôi ông ơi, ông nghỉ đi cho tôi nhờ. Về hưu rồi chả có đồng nào, con cái thì thất nghiệp, rõ khổ”. Ông Quỳnh dường như đã quen những lời vỗ mặt của vợ, làm như không để ý, quay sang tôi tiếp tục mạch suy tư đang đà thăng hoa.
“Tôi không thể dừng suy nghĩ, dừng vận động một buổi nào, không vận động thì coi như đã chết. Tổng cộng, tôi có 181 đề tài kiểu như vậy”. Chậm rãi tợp ngụm nước chè, ông tiếp chuyện: “Chú biết vì sao trái đất ngày càng nóng lên không? Lâu nay các nhà khoa học chỉ nói đến việc biến đổi khí hậu bởi ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính, khói bụi ô tô xe máy và cả nạn chặt phá rừng, nhưng họ không bàn đến cái lõi của vấn đề.
Theo tôi, vấn đề cốt lõi là nằm ở... lõi trái đất. Trái đất quay xung quanh trục của nó. Nó quay đi quay lại năm này qua tháng khác chà xát mạnh làm nó nóng lên. Trái đất nóng lên là đương nhiên. Trong nó nóng thì ngoài cũng nóng thôi”.
Ông Hồ Bá Quỳnh bật cười sảng khoái sau một hồi triết lý khiến tôi cũng không nhịn được, bèn cười theo. “Do đó, muốn vỏ trái đất nguội đi thì phải tìm cách làm nguội trong ruột nó, tức là phải giải phóng sức nóng bên trong ruột trái đất, phải như thế mới được”.
Ông tiếp tục, “giải pháp của tôi là thế này, cho nổ bom ở sa mạc Sahara vì ở đó toàn đất cát, không có người, không sợ thương vong”.
“Nổ mấy quả bom ở sa mạc làm đất nứt toác ra tạo khe hở cho núi lửa phun trào, giải phóng năng lượng trong lõi trái đất. Như con người ta ấy, khi ốm, trong cơ thể nóng thì sờ bên ngoài đâu cũng thấy nóng. Núi lửa nó phun hết nham thạch thì trái đất nguội đi, bớt nóng ngay”.
“Tôi cũng đã từng đề nghị tỉnh Nghệ An cho khoét đất xây đường hầm từ đất liền ra đảo Ngư, hình thành một cái cảng ngay trên biển và phục vụ kinh doanh du lịch. Qua khảo sát, tôi thấy cảng Cửa Lò nước nông, tàu lớn không vào được, ở chỗ đảo Ngư nước sâu xây một cái cảng thì chu choa, thật là lý tưởng.Nước Nhật người ta có rất nhiều đường hầm như thế, nối từ đảo này sang đảo khác. Họ làm được thì mình làm được. Cảng thì phục vụ các tàu chở hàng hóa, đường hầm thì phục vụ du lịch. Tôi tính là lắp nhiều ống kính dọc đường hầm, để du khách đến đó chiêm ngưỡng vẻ đẹp của biển cả, nhìn đàn cá đàn tôm tung tăng bơi lội”, Phó tiến sĩ Hồ Bá Quỳnh nói chắc như đinh đóng cột.
Một đời trăn trở với nông dân
Năm 1992, Phó tiến sĩ Hồ Bá Quỳnh đưa ra ý tưởng thu lệ phí qua cầu vào giá xăng dầu. Ông kể: “Có đêm 30 Tết tôi về Hà Tĩnh hương khói cho ông bà ngoại, một đôi trai gái đi ngược chiều, vượt qua trạm bán vé đến gần giữa cầu Bến Thủy thì nhân viên thu vé đuổi kịp, bắt quay lại mua vé. Về nhà, tôi cứ trăn trở, bèn viết đề án thu lệ phí qua cầu vào giá xăng dầu”.
Xuất thân từ dòng họ Hồ Quỳnh Bảng - Quỳnh Đôi rạng danh khoa cử nhưng gốc gác vốn là nhà nông, từng một nắng hai sương gắn bó với ruộng đồng, ông Quỳnh nặng lòng với nông dân. “Công chức thì khi nghỉ hưu, có lương; người nông dân biết dựa vào đâu khi bóng xế, tuổi già?”, Ông Quỳnh nghĩ vậy, trăn trở đến bạc đầu, thức trắng đêm nghiên cứu chế độ hưu cho người nông dân.
Năm 1992, ông cặm cụi ngồi viết đề án “Bàn về chế độ hưu cho người nông dân, kể cả lâm dân, ngư dân, diêm dân và người lao động ngoài quốc doanh”, đến tháng Giêng năm 1993 thì hoàn thành đề án. Ngày 30/7/1998, Chủ tịch tỉnh Nghệ An Hồ Xuân Hùng ký “ban hành điều lệ tạm thời (thí điểm) loại hình BHXH nông dân tự nguyện”.
Trăn trở nhiều ý tưởng, có ý tưởng thoạt nghe, có người bảo: “Cha này hâm nặng rồi”. Nhưng kệ, ông vẫn miệt mài thế, trọn cuộc suy tư, trăn trở. Ông chẳng bao giờ làm hại đến ai.
Khoảng năm 1996, ông đề xuất xây dựng thị xã Hoàng Mai (huyện Quỳnh Lưu) làm vệ tinh cho TP Vinh. Nằm ở cửa ngõ phía Bắc Nghệ An, vì nhiều lẽ, về văn hóa, lịch sử, Hoàng Mai sẽ thu hút đầu tư nếu lên thị xã, làm vệ tinh cho TP Vinh. Ước mơ của ông nay đã thành hiện thực. Năm 2013, tỉnh Nghệ An công bố quyết định thành lập thị xã Hoàng Mai.