Trung tâm thành phố Sunnyvale, California, đã trở nên "nhộn nhịp" kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Hơn một nghìn “du khách đặc biệt" đã tận hưởng một đêm tại thành phố và rời đi mỗi buổi sáng trong suốt gần hai năm.
Nhưng những “vị khách" này không đến để ăn các món ăn đặc sản hay chè chén ở quán rượu. Thay vào đó, chúng ăn bất cứ thứ gì có thể tìm thấy ở bên đường và phóng uế khắp các vỉa hè.
Những vị khách không mời mà đến này chính là lũ quạ.
Larry Klein, Thị trưởng Sunnyvale, cho biết chính quyền thành phố đã phải vật lộn để xua đuổi loài chim này trong ít nhất 5 năm qua. Thế nhưng, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn trong thời kỳ đại dịch, khi quần thể quạ tăng nhanh, xuất hiện ở khắp nơi, theo New York Times.
"Các đường phố về cơ bản đầy rẫy tiếng quạ kêu", ông nói vào hôm 16/1.
Quạ bay gần trung tâm thành phố Sunnyvale. Ảnh: KGO-TV. |
Chiến lược đuổi quạ
Xuất hiện ở những con phố tại Sunnyvale, cách San Francisco khoảng 64 km về phía đông nam, ông Klein cho biết quạ là “nỗi ám ảnh" của người dân địa phương. Đôi khi, chúng làm rơi que, lá hoặc thậm chí thải ngay trên đầu các thực khách ngoài trời.
Các nhà chức trách thành phố đã cố gắng đuổi quạ bằng một con chim ưng, nhưng họ chỉ đạt được "thành công hạn chế", thị trưởng nói.
Với hàng nghìn con quạ xâm chiếm thành phố này mỗi năm, việc thả loài thiên địch cũng không có tác dụng trên diện rộng.
Trong bối cảnh đó, là trung tâm Thung lũng Silicon, giới chức thành phố Sunnyvale quyết định sẽ chuyển sang sử dụng một công cụ công nghệ hiện đại để giải tán lũ chim: Tia laser.
Nghe có vẻ giống như một giải pháp tương lai nhưng tia laser đã được chứng minh là có thể xua đuổi quạ. Trên thực tế, các bang New York, Rochester và Auburn đã sử dụng tia laser để xua đuổi lũ chim và đạt được những thành công bước đầu.
Tại Rochester, tiểu bang Minnesota, giới chức thành phố thậm chí chi ngân sách cho một đội đặc nhiệm 40.000 USD/năm chỉ để làm nhiệm vụ xua đuổi quạ.
"Chúng tôi được trang bị tia laser, loa gọi quạ, và một khẩu súng bắn đạn nổ", Sally Vehrenkamp, một nữ nhân viên tại đội tuần tra quạ Rochester cho biết.
Theo kế hoạch, trong ba tuần, các nhân viên Sunnyvale sẽ dành một giờ mỗi buổi tối để chiếu tia laser xanh vào quạ, theo Thị trưởng Klein. Họ cũng sẽ sử dụng loa để phát âm thanh của những con quạ gặp nạn.
“Điều quan trọng nhất là phải quấy rối lũ quạ để một lượng lớn chúng đi tìm nhà mới ở chỗ khác", ông Klein nói.
Giới chức thành phố Sunnyvale sử dụng tia laser để đuổi quạ. Ảnh: AFP. |
Quạ thường tập trung trong trung tâm thành phố vào khoảng hoàng hôn, sau khi chúng đã dành cả ngày để kiếm thức ăn.
Khi quạ nhìn thấy tia laser màu xanh lục chiếu vào cây cối, chúng nghĩ rằng động vật đang chạy trên cành cây, và sẽ bay đi nơi khác để ngủ, theo ông Kevin J. McGowan, chuyên gia nghiên cứu loài chim tại Phòng thí nghiệm Cornell Lab of Ornithology ở Ithaca, New York.
Dù vậy tiến sĩ McGowan cho biết công việc này không hề dễ dàng vì một số loài chim không muốn rời khỏi nơi chúng đã quen định cư.
Ông gợi ý rằng chính quyền Sunnyvale cũng có thể sử dụng các loại pháo nổ nhỏ để xua đuổi loài động vật phiền phức này.
“Điều đó sẽ khiến chúng phát hoảng", ông nói.
Những con quạ “cứng đầu"
Tuy nhiên, ngay cả những nỗ lực đó cũng có thể là không đủ đối với những con quạ “cứng đầu", không muốn rời đi, ông McGowan cho hay.
Ông dẫn ra một ví dụ ở Auburn, nơi các nhà chức trách vào những năm 1990 đã cố gắng để xua đuổi khoảng 75.000 con quạ đến những khu vực ít dân hơn. Nhưng cuối cùng, chúng vẫn tụ tập tại các khu vực trong thành phố.
Tiến sĩ McGowan ví von điều này cũng giống như Covid-19, con người không thể ngăn cản chúng xảy ra.
Dù vậy, không phải ai cũng ủng hộ kế hoạch laser của các nhà chức trách Sunnyvale. Ông Klein nói rằng Santa Clara Valley Audubon Society, một nhóm bảo vệ môi trường địa phương, tin rằng tia laser có khả năng gây hại cho các loài chim.
So với các thành phố khác, 1.000 con quạ ở Sunnyvale vẫn là số lượng “vừa phải”, Kaeli Swift, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Washington, người đã nghiên cứu về quạ, cho biết.
Một con quạ trước cửa hàng Macy’s đã đóng cửa ở Sunnyvale. Ảnh: Shutterstock. |
Theo New York Times, có vẻ như quạ sẽ không bao giờ hoàn toàn rời khỏi Sunnyvale, bởi những phương pháp có thể loại bỏ tất cả chúng là bất hợp pháp, chẳng hạn như sử dụng thuốc nổ. Năm 1940, chính quyền bang Illinois đã cho nổ để tiêu diệt gần 300.000 con chim.
Không chỉ mỗi Sunnyvale, trong vài năm qua, các thành phố trên khắp nước Mỹ đã phải đối mặt với số lượng quạ gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, xu hướng này dường như không liên quan đến việc đại dịch Covid-19 đã khiến đường phố vắng lặng suốt nhiều tháng, tiến sĩ Swift nói.
“Chúng đậu xung quanh. Chúng tôi không biết chính xác lý do tại sao”, bà cho biết và nói thêm rằng quần thể này phát triển lớn hơn vào mùa đông, khi quạ di cư từ Canada.
Cứ khoảng đầu mùa đông hàng năm, những đàn quạ sẽ bắt đầu di cư. Chúng bay từ Canada để tới tây nam Mỹ, nơi có những vùng đất trống, dễ dàng kiếm được ngũ cốc, các loại hạt và thậm chí cả động vật nhỏ.
Richard Miller, một kỹ sư, cho biết quạ thường đậu với số lượng lớn dọc theo bãi đậu xe tòa thị chính. Ông nói có những lúc phân chim rơi từ trên cao xuống "như mưa".
"Nói vậy khá thô thiển, nhưng đó là sự thật", ông chia sẻ.