Vụ án Nguyễn Đức Kiên hay bầu Kiên đang được mở xét xử sơ thẩm với bị can Trần Xuân Giá - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB - tiếp tục không có mặt do bệnh tật. Đây là một trong những vụ án liên quan tới kinh tế lớn nhất trong hàng chục năm qua, và nó gắn liền với 2 cái tên rất nổi tiếng là ông trùm ngân hàng Nguyễn Đức Kiên, ông Trần Xuân Giá - Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư.
Trước đó, hồi giữa tháng 9/2012, giới đầu tư xôn xao khi nghe tin ông Trần Xuân Giá từ nhiệm chức vụ chủ tịch vì lý do sức khỏe với căn bệnh ung thư, và đã trải qua một cuộc đại phẫu vào đầu năm. Thông tin này ảnh hưởng tới tâm lý của giới đầu tư sau khi họ đã phải trải qua đợt cuồng phong chứng khoán giảm giá mất hàng tỷ USD hồi cuối tháng 8/2012 khi bầu Kiên bị bắt.
Đây có lẽ là điều dễ hiểu bởi, các NĐT rất sợ hãi mỗi khi nghe thông tin người đứng đầu của các DN vướng vào bệnh tật, bởi nó đồng nghĩa với việc người cầm lái không thể sát sao với DN hoặc cũng có thể có những ảnh hưởng khác tới DN. Trong vài năm gần đây, giới đầu tư chứng kiến khá nhiều doanh nhân tài giỏi dính vào bệnh tật, suy sụp.
Đại gia Diệu Hiền bị ung thư và phải ra nước ngoài chữa trị |
Gương mặt nổi bật nhất có lẽ là ông Đặng Thành Tâm, ông chủ nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Hồi tháng 10 năm trước nữa, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, đại gia này xuất hiện với vẻ tiều tụy, da đen xạm, mặt hốc hác, tóc rối bù, râu ria lởm chởm ...
Ông Tâm trở lại Quốc hội sau khi đã xin phép nghỉ họp cả kỳ để dưỡng bệnh ở nước ngoài, mà theo ông là do chịu nhiều áp lực ...
Giới đầu tư cũng từng biết đến nhiều trường hợp đại gia mang bệnh như bà Diệu Hiền, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty Cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) bị ung thư và phải ra nước ngoài chữa trị; hay ông Vũ Văn Tiền chủ tịch Geleximco đã từng phải dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi do bệnh tật; ông Lâm Ngọc Khuân bỏ mất ra nước ngoài chữa bệnh; ông chủ của Nam Cường lâm trọng bệnh...
Một điểm chung dễ thấy ở các DN sau khi lãnh đạo bị bệnh là sự sa sút đi trông thấy trong hoạt động.
Tham gia vào ACB với tư cách thành viên HĐQT độc lập và không nắm giữ lượng lớn cổ phần, nhưng có lẽ không phải vì vậy mà vai trò chủ tịch, vai trò định hướng của ông Giá bị suy giảm. Cùng với các lãnh đạo khác, ông Giá đã đưa ACB vào tốp các NHTMCP hàng đầu tại Việt Nam về nhiều mặt, từ quy mô cho tới chất lượng...
Tuy nhiên, sau những biến cố "bầu Kiên" cùng với sự rút lui của ông Giá và cả dàn lãnh đạo cao cấp, ACB đã trải qua một năm 2013 tái cơ cấu khá đau xót. Quý IV/2013, ACB lỗ hơn 290 tỷ, tiếp tục thua lỗ vì vàng và ngoại hối. Tính chung cả năm, ngoại hối và vàng vẫn thua lỗ.
Điểm chung dễ thấy ở các DN sau khi lãnh đạo bị bệnh là sự sa sút đi trông thấy trong hoạt động. |
Bianfishco còn bi đát hơn sau khi bà Diệu Hiền đi chữa bệnh. Vụ vỡ nợ khủng lên tới cả nghìn tỷ đồng đã khiến DN đứng trước bờ phá sản. Bianfishco giờ đây gần như đã hoàn thành tái cấu trúc, đón nhận chủ mới. Vợ chồng bà Diệu Hiền đã có những bước đi mới, những dự án khác.
Còn với ông Đặng Thành Tâm, thời gian ông lao đao với áp lực, với bệnh tật thì các DN của ông cũng rơi vào tình trạng bi đát. Những khoản nợ lên tới cả nửa triệu đô-la trong khi trong một thời gian dài không vay được NH đã vùi dập các DN cũng như cổ phiếu của ông.
Cho tới quý I/2014, cho dù đã hồi phục khá nhiều, nhưng Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) - một DN trụ cột của ông Tâm vẫn lãi khá ít, gần 8 tỷ đồng so với quy mô vốn gần 4.000 tỷ đồng; còn SaigonTel vẫn trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, cổ phiếu ở mức 3.500 đồng. Từng ở vị trí đứng đầu trong danh sách những người giàu nhất trên TTCK Việt Nam, sự sụt giảm giá các cổ phiếu đã khiến ông Tâm giờ đã rớt ra khỏi tốp 10.
Ông Lâm Ngọc Khuân "ra đi" chữa bệnh ở nước ngoài cũng bỏ lại một Thủy sản Phương Nam - một DN có tiếng ở Đồng bằng sông Cửu Long và cả trên trường quốc tế - nợ nần đầm đìa, tổng nợ 7 NH lên tới 1.600 tỷ đồng.
Gần đây, tên tuổi của một DN BĐS nổi tiếng ở khu vực miền Bắc cũng đã suy giảm khá nhiều sau khi ông chủ, người sáng lập ra DN này qua đời vì trọng bệnh. Một mặt do sự trầm lắng của thị trường BĐS nói chung, nhưng nhiều người cho rằng một phần do DN mất đi một lãnh đạo xuất sắc.
Có thể thấy, ở một số đơn vị, sự phát triển của DN là nhờ vào cả một cỗ máy, một cỗ máy có quy trình quản trị, quy trình hoạt động được xây dựng truyền từ đời lãnh đạo này qua lãnh đạo khác. Tuy nhiên, ở nhiều DN khác, vai trò của người lãnh đạo rất lớn, mỗi một sự thay đổi về sức khỏe của họ đều làm ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các DN này. Tất nhiên, nhiều doanh nhân mang bệnh là do áp lực vô hình đã khiến tinh thần và sức khỏe của họ suy sụp. Tham vọng đã là động lực đưa nhiều người lên đỉnh cao mới nhưng đó cũng là áp lực khiến cho nhiều doanh nhận gặp nhiều rắc rối trong cuộc sống và sức khỏe.