Có nhiều điều khiến các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc trăn trở về đêm: nền kinh tế trì trệ, cuộc chiến thương mại bầm dập và lợn.
Đặc biệt, trong tình trạng khan hiếm, thịt lợn nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng cả nước. Giá thịt lợn liên tục tăng trong nhiều tháng qua, cao hơn gần 50% so với năm 2018, theo số liệu được công bố hôm 10/9.
Nhiều người Trung Quốc không mua được thịt lợn vì giá quá cao. Ảnh: New York Times. |
Người tiêu dùng thất vọng trong khi các cơ quan chức năng lặng lẽ báo động tình trạng bùng phát dịch bệnh, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khan hiếm, theo New York Times.
Thủ tướng Lý Khắc Cường cùng chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi ứng phó khẩn cấp với vấn đề này. Tháng trước, một quan chức cấp cao khác coi đây là "ưu tiên quốc gia".
"Chỉ còn mua được thịt xay"
Ít nhất ba tỉnh thành đã phải sử dụng lượng thịt lợn dự trữ chiến lược của quốc gia để đảm bảo người tiêu dùng vẫn có khả năng mua được loại thực phẩm này.
Ngay cả vậy, người dân vẫn chịu tổn thất nặng nề khi giá cả nhiều loại hàng hóa đồng loạt tăng cao do chiến tranh thương mại với Mỹ.
"Quá đắt, quá đắt, quá là đắt! Chúng tôi không thể mua được thịt lợn", bà Gui Fuyi, 69 tuổi, nói khi đang chọn thịt trong siêu thị tại Bắc Kinh hôm 10/9. Những ngày này, bà Gui chỉ mua thịt lợn xay để làm nhân bánh bao.
Trung Quốc mới đây công bố số liệu lạm phát giá tiêu dùng cho thấy người Trung Quốc đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Chi phí dành cho thực phẩm tăng 10% trong năm 2018 và ngày càng cao do mức thuế mới đối với các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ.
Giá thực phẩm còn bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ. Ảnh: New York Times. |
"Chính phủ Trung Quốc luôn thích nói rằng Trung Quốc có thể chịu được mọi hậu quả của cuộc xung đột thương mại. Nhưng những gì họ tránh nhắc tới là người dân đang phải chịu trận", Victor Shih, Phó giáo sư tại Đại học California, San Diego, Mỹ, và là chuyên gia về kinh tế Trung Quốc, cho biết.
Bắc Kinh gần đây tuyên bố chiến tranh thương mại không ảnh hưởng tới nguồn cung thịt lợn của nước này. Tuy nhiên, với mức thuế quan mới nhất do Washington áp dụng từ ngày 1/9, Trung Quốc cũng áp thêm thuế đối với các sản phẩm Mỹ, bao gồm đậu nành, thịt lợn, hải sản và dầu thô.
Dịch tả lợn châu Phi lây lan cả nước
Bắc Kinh đang phải đối mặt với thách thức ngày càng lớn khi các nhà phân tích dự báo giá thịt lợn vào cuối năm nay có thể gấp đôi so với năm 2018.
Hơn một năm qua, Trung Quốc phải vật lộn ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan mất kiểm soát. Kể từ khi chính phủ tuyên bố ổ dịch đầu tiên vào tháng 8/2018 tới nay, tất cả các tỉnh thành trên cả nước đều xác nhận có dịch.
Để đối phó, chính quyền yêu cầu nông dân không cho lợn ăn thức ăn thừa, nguồn lây lan chính của bệnh dịch. Công tác kiểm dịch được thực hiện, đồng thời hạn chế vận chuyển lợn khỏi vùng bệnh.
Hàng triệu con lợn đã bị tiêu hủy để ngăn dịch lây lan. Ảnh: New York Times. |
Tuy nhiên, công tác an toàn và vệ sinh dịch tễ rất khó thực hiện trên hàng triệu trang trại nhỏ của Trung Quốc. Chính phủ cho biết tính đến nay, 1,2 triệu con lợn đã bị tiêu hủy để ngăn dịch lây lan. Năm 2018, số lợn mà nước này tiêu thụ là 700 triệu con.
Nhiều nhà phân tích cho rằng con số chính thức không phản ánh được mức độ nghiêm trọng của dịch tả lợn châu Phi.
Nông dân và giới quan sát nông nghiệp cho biết nhiều trường hợp lợn mắc bệnh không được báo cáo cho chính quyền. Kết quả là thịt lợn nhiễm bệnh bị bán ra thị trường.
Dịch tả lợn châu Phi đã lan qua biên giới, sang cả Việt Nam, Mông Cổ và Triều Tiên. Các quốc gia châu Á khác cũng đang cảnh giác cao độ.
Đối phó với "cơn khát" thịt
Trước khi bước vào một số ngày lễ lớn, chính quyền địa phương bắt đầu tìm ra những cách sáng tạo nhằm trấn an người dân.
Ở thành phố Ôn Châu, chính quyền tuyên bố có đủ thịt lợn đông lạnh dự trữ để cung cấp cho mỗi người dân 50 gram/ngày trong bốn ngày. Ở thành phố Nam Ninh, người dân được thông báo có thể mua tới 1 kg thịt lợn/ngày với giá ưu đãi. Chính quyền tỉnh Quảng Đông cam kết sẽ đưa ra thị trường hơn 3.100 tấn thịt lợn đông lạnh, theo truyền thông địa phương.
Bắc Kinh cũng triển khai một loạt biện pháp khuyến khích nông dân nuôi lợn trở lại, bao gồm trợ cấp xây dựng hoặc mở rộng chuồng trại. Một số khoản trợ cấp lên tới 700.000 USD.
Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn. Đẩy mạnh chăn nuôi lợn trở lại có thể khiến đàn lợn khỏe bị lây bệnh.
Người dân vẫn e ngại trong việc nuôi lợn trở lại. Ảnh: Blommberg. |
"Đây thực sự là một nhiệm vụ khó khăn đối với chính phủ. Không thể ngừng sản xuất hoàn toàn để dập tắt dịch được", Pan Chenjun, nhà phân tích trong lĩnh vực nông nghiệp ở Hong Kong, nhận định.
Ông Pan cho rằng dù chính phủ có trợ cấp nhiều đến mức nào, nông dân mới là người quyết định có nuôi lợn trở lại hay không. Họ biết rằng hiện vẫn còn dịch và nguy cơ lây nhiễm.
Life Times, tờ báo của đảng Cộng sản Trung Quốc, gần đây đăng bài viết trên trang nhất có tiêu đề "Tốt hơn nên ăn ít thịt lợn".
"Thịt lợn là thực phẩm truyền thống lâu đời của người Trung Quốc, nhưng ăn quá nhiều sẽ khiến bạn béo lên", bài báo viết, dẫn lời quan chức y tế nước này tên Xu Shufang.
"Thật ra, dù thịt lợn có đắt hay rẻ, mọi người nên cải thiện chế độ ăn uống để ăn ít thịt lợn hơn và ăn nhiều thịt trắng hơn", cô Xu nói, theo Life Times.