Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Quả cầu ánh sáng bí ẩn xuất hiện trên bầu trời Nga

Người dân và các nhà khoa học đang tìm cách lý giải quả cầu ánh sáng khổng lồ xuất hiện hôm 14/11 trên bầu trời Urals, Nga.

Quả cầu ánh sáng khổng lồ xuất hiện trên bầu trời Urals. Ảnh: RT

Hiện tượng kỳ bí xảy ra ở thị trấn Rezh ở Sverdlovsk, khu vực Urals, Nga. Rất nhiều người dân ghi lại được hình ảnh quả cầu ánh sáng khổng lồ xuất hiện trên bầu trời, cảnh tượng ngoạn mục như sự kiện thiên thạch phát nổ hồi đầu năm 2013. Tuy nhiên, quả cầu ánh sáng xuất hiện lần này có màu đỏ cam, RT đưa tin.

Người ta đặt ra nhiều giả thuyết cho quả cầu ánh sáng khổng lồ, trong đó thiên thạch phát nổ hoặc một cuộc diễn tập của quân đội Nga là hai giả thuyết có cơ sở hơn cả. Cơ quan các tình trạng khẩn cấp khu vực chưa nhận được thông báo về tác động của sự cố. Ngoài ra, người ta cũng không nghe thấy âm thanh nào khi quả cầu ánh sáng xuất hiện.

Theo E1.ru, quân đội Nga đã bác bỏ sự liên quan của họ với sự kiện bí ẩn. "Quân đội không tiến hành tập trận hay huấn luyện trong khu vực vào ngày 14/11 cũng như không đặt đơn vị quân đội nào ở đây nên chúng tôi chẳng thể điều tra vụ việc", sĩ quan phụ trách truyền thông của quân đội Nga phát biểu sau khi nhận được đề nghị điều tra quả cầu ánh sáng từ phía quan chức địa phương.

Trong khi đó, ông Viktor Grokhovsky, thành viên Ủy ban thiên thạch thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho biết: "Quả cầu ánh sáng trông giống như một thiên thạch phát nổ khi lao xuống trái đất. Tuy nhiên, người ta không thể quan sát nó vì bị mây che khuất. Sau khi nổ, ánh sáng của nó lan tỏa khắp bầu trời trong khu vực".

Người dân khu vực Urals từng chịu tác động của thiên thạch khi nó phát nổ trên bầu trời hồi đầu năm 2013. Sự cố gây tác động mạnh ở Chelyabinsk, với hơn 1.000 người bị thương vì mảnh thủy tinh đâm trúng, hậu quả của vụ nổ tương đương hàng chục quả bom hạt nhân. Đây cũng là lần đầu tiên con người trực tiếp ghi lại tác động của một vụ nổ thiên thạch với trái đất.

Hồng Duy

Bạn có thể quan tâm