Thị trường TV phụ thuộc phần lớn vào công nghệ tấm nền. Mỗi bên đều có những ưu và nhược điểm riêng. Zing.vn thực hiện bài so sánh khách quan để người tiêu dùng tùy theo nhu cầu, lựa chọn cho mình mẫu TV phù hợp.
Hai mẫu TV được đưa ra so sánh là Samsung QLED Q8C (93 triệu đồng) đặt bên trái và LG OLED E7T (91 triệu đồng) đặt bên phải. Cả hai đều thuộc phân khúc 65 inch và cùng tầm giá. Cả hai đều được đưa về cài đặt chuẩn của nhà sản xuất.
Hai mẫu TV được so sánh là Samsung QLED Q8C (bên trái) và LG OLED E7T (bên phải). |
OLED (Organic light-emitting diode, điốt phát quang hữu cơ) là dòng TV sở hữu tấm nền với các điểm là những điốt hữu cơ phát sáng độc lập. Khi nhận tín hiệu hình ảnh, những điốt này sẽ phát sáng mà không cần đến đèn nền hay bộ lọc màu sắc. Khả năng bật tắt độc lập từng điểm ảnh giúp OLED tiết kiệm điện năng hơn QLED.
Cả hai đều có mức giá hơn 90 triệu đồng. |
Trong khi đó, QLED (Quantum-dot LED) là dòng TV sử dụng công nghệ chấm lượng tử phủ trên đèn nền LED. Chấm lượng tử này có nhiệm vụ tạo ra màu sắc cho từng điểm ảnh với ánh sáng từ đèn nền LED.
Trước đây chi phí sản xuất OLED khá cao, do đó giá thành sản phẩm chênh lệch nhiều so với QLED. Tuy nhiên thời gian gần đây, OLED đã đạt được mức giá rất cạnh tranh, ngang ngửa QLED.
Độ sáng màn hình
So về độ sáng, QLED tỏ ra vượt trội hơn, mang đến cho người xem cảm giác hình ảnh tươi hơn trên OLED.
Về phần OLED của LG, mặc dù không trang bị đèn nền nhưng công nghệ WRGB (kế những điểm ảnh màu có điểm ảnh trắng giúp tăng độ sáng) cũng giúp cải thiện phần nào độ sáng cho mẫu TV này.
Hiển thị hình ảnh tối
Ưu điểm của OLED là các điểm ảnh nhận tín hiệu màu đen sẽ được tắt hoàn toàn, đem lại hình ảnh có màu đen thuần khiết hơn trên QLED. Ở bức ảnh pháo hoa đêm, TV QLED có những quầng sáng xung quanh pháo hoa, trong khi OLED lại có vùng tối sâu, tạo độ tương phản tốt cho bức ảnh.
Độ sắc nét
Sở hữu pixel chủ động tắt khi nhận tín hiệu màu đen, vì vậy OLED phân định rõ ràng vùng chênh lệch giữa sáng và tối, điều này đem lại cho OLED độ nét tốt hơn so với QLED. Độ sáng cao trên QLED cũng góp phần làm hình ảnh mất đi độ sắc nét vốn có. Trong trường hợp này, thể hiện rõ nhất ở vùng mũi của chú hổ.
Độ tương phản
OLED cho khả năng hiển thị độ tương phản tốt hơn QLED. |
Ở hình ảnh quả địa cầu, OLED thật sự thuyết phục người xem bởi độ tương phản rất sâu của mình. TV OLED cho màu sắc đậm đà, màu xanh hiển thị tốt. Trong khi đó, màu xanh trên QLED có phần ngả tím, hình ảnh thiếu tương phản, tạo màn sương.
Góc nhìn
Trong điều kiện phòng khách nhỏ, góc nhìn TV không thật sự là yếu tố quá quan trọng. Tuy nhiên với căn hộ có thiết kế không gian mở, phòng khách rộng thì đây là yếu tố khiến nhiều người quan tâm.
Với điốt phát sáng độc lập, TV OLED hầu như không thay đổi màu sắc, độ nét trong nhiều góc nhìn khó. Ngược lại, trên TV QLED, chỉ cần thay đổi 40 độ so với góc nhìn trực diện, người dùng dễ dàng nhận ra sự thay đổi về các yếu tố trên.
Khả năng hiển thị màu sắc
Màu đỏ trên TV OLED chính xác, trong khi QLED ngả sang đỏ cam. |
Trong khi QLED có xu hướng hiển thị ấm vàng thì OLED lại có màu sắc theo tông lạnh. Tuy nhiên, xu hướng màu sắc trên Samsung có phần được tăng cường hơi "quá tay", khiến độ sai màu khá rõ rệt. Đặc biệt là trong trường hợp trình chiếu nội dung con người, màu da trên TV QLED ám vàng khá rõ, trong khi OLED cho ra màu da chuẩn xác hơn.
Ở nhiều điều kiện, OLED của LG đều hiển thị màu da người chính xác hơn QLED của Samsung. |
Hình ảnh HDR
Vùng lưng người trên Samsung vẫn giữ được chi tiết. Tuy nhiên tổng thể hình ảnh trên OLED LG lại nổi khối hơn. |
Màu đen không sâu giúp QLED giữ được những chi tiết vùng tối cùng khả năng hiển thị vùng sáng cao. Tuy nhiên HDR trên TV QLED không giữ được độ tương phản cần thiết cho hình ảnh, khiến hình ảnh bệt không có chiều sâu như OLED. Như trường hợp này, độ nổi khối của đám mây trên TV OLED tốt hơn.
Thiết kế
Do chỉ có một lớp là tấm nền điốt nên OLED có độ mỏng vượt trội. Điều này giúp những mẫu TV sở hữu tấm nền OLED có thiết kế mỏng nhẹ, linh hoạt. Ngược lại, TV QLED sở hữu tấm nền và các bộ lọc phức tạp nên thường dày hơn.
Do cấu thành bởi nhiều lớp lọc và đèn nền, QLED có thân hình dày hơn OLED. |
Tuy vậy, do công nghệ OLED khá đắt đỏ nên thường chỉ sản xuất những model có kích thước màn hình lớn từ 55 inch trở lên. Do đó, OLED phù hợp với những không gian rộng rãi, sang trọng hơn là những căn hộ nhỏ hẹp, bình dân.