Vào ngày 15/7/2012, nam ca sĩ Psy ra mắt đĩa đơn và MV Gangnam Style ở quê nhà Hàn Quốc. Thời gian đầu, Gangnam Style không được chú ý nhiều, nhưng bất ngờ “bùng nổ” kể từ tháng 11 trên khắp các phương tiện truyền thông lớn của thế giới. Bản hit đi vào lịch sử với tư cách là MV đầu tiên cán mốc 1 tỷ lượt xem.
Thành công của Gangnam Style đến một cách bất ngờ như lời Psy thốt lên: “Đó là giấc mơ”. Sau nhiều năm miệt mài hoạt động nghệ thuật và kiên định với cá tính âm nhạc chẳng giống ai, cuối cùng Psy đã hoàn thành tâm nguyện đưa âm nhạc Kpop len lỏi khắp thế giới.
Mặc dù vậy, cơn sốt Gangnam Style cũng vô hình khiến nam ca sĩ gặp sức ép quá lớn về sau.
Psy chọn nghệ danh trong tiếng Anh có nghĩa là "kẻ tâm thần". |
Kẻ tâm thần của Kpop
18 năm trước, Park Jae Sang bắt đầu sự nghiệp ca hát với nghệ danh là Psy - viết tắt của từ psycho - mà trong tiếng Anh có nghĩa là kẻ tâm thần. “Gã béo” sinh ra trong gia đình giàu có với bố và mẹ đều là doanh nhân thành đạt ở quận Gangnam nổi tiếng xa hoa tráng lệ của Hàn Quốc.
Psy có thời gian theo học ngành kinh tế tại Đại học Boston. Dù vậy cá tính âm nhạc trong con người Psy trỗi dậy và anh bỏ dở chuyện học chỉ sau một năm. Sau này, khi kể lại với đài KBS, Psy thừa nhận mình là người lười học và máu nghệ thuật luôn sôi sục trong người. Thời gian còn học ở Mỹ, Psy đã dùng tiền gửi hàng tháng của gia đình để mua các nhạc cụ điện tử.
Psy gia nhập showbiz Hàn dù không sở hữu khuôn mặt sáng và thân hình thiếu cân đối. Anh quả là “kẻ tâm thần” vì xưa nay hiếm có chuyện một nam hoặc nữ ca sĩ tại Hàn Quốc theo đuổi nghệ thuật khi không có lợi thế ở ngoại hình. Năm 2011, Psy ra mắt album đầu tay có tên Psy From the Psycho World.
Anh phải nộp phạt vì album Psy From the Psycho World chứa nhiều ngôn ngữ không phù hợp, song công chúng yêu nhạc Kpop có phản hồi rất tốt với sản phẩm đầu tay của Psy.
“Kẻ tâm thần” được trao biệt danh "The Bizarre Singer" (gã ca sĩ kỳ quái) nhờ cá tính mạnh mẽ trong âm nhạc, ngoại hình không đụng hàng và những bước nhảy chỉ có Psy mới tưởng tượng ra.
Psy đi ngược hoàn toàn với hình mẫu của một ca sĩ Kpop. |
Trả lời với The Guardian hồi 2014, Psy khẳng định: “Nghệ danh của tôi đã nói lên tất cả những gì mình muốn khi bước chân vào con đường âm nhạc hào nhoáng, nhưng cũng có không ít cái bẫy được đặt sẵn. Những năm đầu, tôi bỏ ngoài tai mọi lời khuyên nhủ để sống với thứ âm nhạc của chính mình”.
Vì lý do đó, album Sa 2 của Psy gây nhiều tranh cãi vào năm 2002 khi chứa nhiều ngôn từ kích động xấu đến trẻ em dưới 18 tuổi. Sau đó, Sa 2 bị cấm bán cho những người dưới 19 tuổi.
Album thứ ba của Psy - Champion - quảng bá cho World Cup 2002 tại Hàn Quốc cũng để lại không ít tai tiếng. Nhưng dù sao, Champion vẫn giúp Psy thu về giải thưởng đầu tiên trong sự nghiệp.
Trước khi đi nghĩa vụ, Psy phát hành album Ssajib nhận giải âm nhạc SBS 2006 và Mnet (Hong Kong). Vì tài chính kiệt quệ, Psy không còn khả năng phát hành sản phẩm âm nhạc độc lập. Psy nghe lời vợ và gia nhập công ty giải trí YG. Mà ở đó, giám đốc điều hành (GĐĐH) Yang Hyun Suk chính là bạn thân của anh.
Từ bước đệm của YG, Psy được định hướng theo con đường chuyên nghiệp hơn, song vẫn mang trong mình cá tính của ca sĩ khác biệt hoàn toàn so với phần còn lại.
Gangnam Style - đỉnh cao và “địa ngục” của Psy
Vào ngày 15/7/2012, Psy ra mắt đĩa đơn Gangnam Style nằm trong album phòng thu thứ 6 có tên Psy 6 (Six Rules). Bài hát đầy tính châm biếm những kẻ đua đòi thích thể hiện đẳng cấp "quận Gangnam". Tờ AFP cho rằng, không chỉ riêng quận Gangnam, mà bản siêu hit của Psy còn ám chỉ cả đất nước Hàn Quốc.
Đến ngày nay, thành công của Gangnam Style vẫn gây ngạc nhiên. “Chàng béo” của làng Kpop chỉ khẳng định: “Khi phát hành Gangnam Style, mục đích của tôi chỉ là làm sao để bài hát được đón nhận thật nhiều tại Hàn Quốc. Tôi cũng không thể hiểu vì sao Gangnam Style trở thành cơn sốt đình đám như vậy”.
Chính Psy cũng không thể tượng tượng ra cảnh Gangnam Style "làm mưa, làm gió" trên thế giới. |
Vài tháng sau khi MV Gangnam Style ra mắt, báo chí trên toàn thế giới bắt đầu nói về bản hit của Psy. Sau đó, Gangnam Style như thứ “virus” lây lan một cách chóng mặt.
Từ công chúng yêu nhạc bình thường cho đến ngôi sao ở các lĩnh vực khác nhau, tất cả đều cover màn nhảy ngựa bất hủ và khoe trên trang cá nhân. Nhờ nền tảng của mạng xã hội, Gangnam Style tạo nên cơn sốt chưa từng có.
Theo phân tích của The Guardian, Gangnam Style gây sốt vì điệu nhảy ngựa tưởng chừng đơn giản, nhưng độc đáo và gây tò mò cho đám đông. Tiếp đó, giai điệu EDM sôi động của Gangnam Style khiến người nghe muốn nhảy ở bất kỳ đâu. Sau cùng, Psy tạo dấu ấn ở phần ca từ dí dỏm và phần diễn xuất theo đúng chất của “kẻ tâm thần”, nhưng đáng yêu trong MV.
GĐĐH Yang Huyn Suk từng nhận định: “Psy chỉ cần dung hòa những yếu tố để thu hút công chúng”. Và Gangnam Style đã thành công theo cách như vậy. Một MV quái dị như hình tượng mà Psy đã cất công theo đuổi trong hơn 10 năm trời, nhưng không mang yếu tố dung tục và kích động bạo lực với trẻ em.
Thành công của Gangnam Style đến một cách bất ngờ, nhưng mang ý nghĩa to lớn với nền âm nhạc Hàn Quốc và cả thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, một ca sĩ Kpop có bài hát vươn đến top 20 bảng xếp hạng Billboard. Khi mà trên thế giới chưa từng có khái niệm “tỷ view”, Gangnam Style ra mắt chưa đầy một năm đã xuất sắc cán mốc 9 con số.
“Kẻ tâm thần” Psy đã cụ thể hóa giấc mơ chinh phục thế giới bằng thứ âm nhạc của chính mình. Gangnam Style mang lại những giá trị khổng lồ mà Psy chỉ dám nghĩ đến trong giấc mơ. Anh góp mặt ở một loạt show truyền hình danh giá ở Mỹ và số lần biểu diễn tại sân khấu lớn không thể đếm xuể.
Thậm chí, điệu nhảy ngựa của Psy từng được Tổng thống Mỹ Obama ca ngợi ở vai trò kéo thế giới lại gần nhau hơn.
Psy thất bại ở chặng đường về sau khi cái bóng của Gangnam Style quá lớn. |
Trong âm nhạc, sau mỗi cánh cửa thành công cũng đồng thời là sự thách thức. Với Psy, điều đó càng rõ khi chính bản thân anh cũng chưa ý thức mình cần làm gì khi đứng ở tột đỉnh vinh quang. “Sau siêu phẩm Gangnam Style, Psy sẽ làm gì?”, tờ Daily Mail đặt ra câu hỏi. Chưa đầy một năm sau, Psy ra mắt Gentleman với mục đích tổng tấn công thị trường âm nhạc Mỹ.
Điều đáng tiếc là Gentleman không phải là bản hit đủ sức giúp Psy vượt qua cái bóng của Gangnam Style. Mà thay vào đó, “kẻ tâm thần” quay lại đúng bản ngã của mình mười mấy năm về trước. Psy nổi loạn quá mức trong MV khi vi phạm luật giao thông, cho bạn gái ngửi mùi cơ thể và phì phèo điếu xì gà. Anh bị tẩy chay tại Hàn Quốc và MV Gentleman nhận gần 1 triệu lượt dislike.
Trả lời phỏng vấn hồi 2017, Psy gọi Gangnam Style là đỉnh cao và cũng là vực sâu. Vì đi đến đâu, khán giả cũng chỉ nhớ và yêu cầu anh trình diễn ca khúc này. Psy đã phát hành Gentleman, đĩa đơn Hangover, album Chiljip Psy-da và 4X2 = 8 kể từ năm 2013 đến 2017, song tất cả đều bị lu mờ bởi cái bóng quá lớn của Gangnam Style.
Psy thất bại ê chề tại Mỹ dù có xuất phát điểm cực tốt. Còn tại quê nhà, Psy dần hết thời khi sản phẩm âm nhạc của anh bị phần lớn công chúng tẩy chay. Psy ở tuổi “tứ tuần” loay hoay tìm cho mình hướng đi nhằm cứu vãn sự nghiệp, trong khi idol mới ở Kpop mọc nhanh như “nấm”. Album gần nhất là 4X2 = 8, Psy chấp nhận từ bỏ hình tượng lố bịch, nổi loạn, song vẫn thất bại.
Psy giờ đây đã 41 tuổi và vừa nói lời chia tay với công ty YG sau 8 năm gắn bó. Anh khẳng định sẽ theo đuổi con đường âm nhạc cho đến khi không còn sức lực. Nhiều người tiếc nuối cho thành công dang dở của Psy kể từ bản hit Gangnam Style. Nhưng bất kể thế nào, nam ca sĩ 41 tuổi đã ghi dấu ấn lớn trong lịch sử âm nhạc thế giới.
Nhìn vào Gangnam Style và Psy để nhận ra một điều, thành công trong âm nhạc đã khó, nhưng giữ vững vị thế ở đỉnh cao lại còn khó hơn gấp nhiều lần.