Ngày càng nhiều người lựa chọn nghe podcast. Ảnh: Thanh Trần. |
Thời gian gần đây, xu hướng podcast phát triển, góp phần thay đổi cách con người tiếp nhận thông tin. Tại tọa đàm "Xu Hướng Podcast ảnh hưởng thế nào đến thói quen đọc sách" chiều 4/3, dịch giả Trịnh Lữ và nhà báo Phan Đăng đã bàn về sự phát triển của podcast cùng sức ảnh hưởng của loại hình này đến thói quen đọc.
Podcast không thể thay thế được sách
Nhiều bạn trẻ tại sự kiện đã chia sẻ trải nghiệm của mình với podcast, cho rằng đây là một phương tiện truyền thông tiện lợi, cho phép người nghe đa nhiệm. Dịch giả Trịnh Lữ cho rằng vì đặc tính tiện lợi, không gò bó về mặt thời gian giúp cho podcast trở nên phổ biến với giới trẻ.
Nhà báo Phan Đăng ghi nhận những ưu điểm của podcast so với đài phát thanh ngày xưa. Ông cho rằng ưu điểm dễ nhận thấy nhất là quyền tự do truy cập: "Nghe radio là nghe cái người ta cho bạn nghe. Nghe podcast là nghe cái bạn muốn nghe".
Nếu đài phát thanh phải đi từ một tổ chức chặt chẽ, được thừa nhận, có kiểm duyệt lớp lang kỹ càng mới ra được một kênh phát sóng, thì podcast lại là nền tảng mà ai cũng làm được.
Cả đầu thu lẫn đầu phát của podcast đều tự do, thoải mái, tạo sự thu hút cho giới trẻ. Đây rõ ràng là một phương tiện truyền thông tiện lợi. Ông cho rằng các bạn trẻ có thể cứ tận dụng cơ hội mà thời đại đem lại, dù vậy, không nên từ bỏ những công cụ khiến chúng ta trở thành con người sâu sắc hơn, đó là sách chữ.
Theo dịch giả Trịnh Lữ, hồi xưa, khi có truyền hình, người ta lo radio sẽ chết, khi có điện ảnh, người ta lo sân khấu kịch sẽ chết. "Cuối cùng chẳng cái gì chết cả", ông nói. "Tôi tin rằng nếu đã yêu đọc sách thì người ta sẽ không bao giờ bỏ đọc để mà chỉ nghe podcast".
Dịch giả Trịnh Lữ (giữa) và nhà báo Phan Đăng (phải). Ảnh: B.C. |
Đọc sách là đối thoại với chính mình
Dịch giả Trịnh Lữ cho rằng đọc sách và nghe podcast là hai việc làm rất khác nhau. "Khi tôi đọc sách một cách đúng nghĩa, tôi nghe chính giọng của mình. Mà thông tin nghe bằng chính giọng của mình, nó ngấm lâu lắm".
Ông cho rằng giọng đọc nội tâm khiến cho câu chuyện trên trang giấy trở nên chân thật, gần gũi, khiến cho những nội dung đó ở lại trong tâm trí người đọc lâu hơn.
Ông nói: "Theo kinh nghiệm bản thân, khi đọc sách, tôi hiểu theo cái hiểu của mình, nghe theo giọng của mình. Còn nghe podcast là nghe giọng của người khác. Đó là một rào cản rất tinh vi".
Ông cho tâm lý và cách thưởng thức podcast mang tính chất giải trí nhiều hơn, phù hợp để truyền đạt những thông điệp nhẹ nhàng, giản dị, nhưng khó có thể giảng giải chuyên sâu. Về cơ bản, cả cách thưởng thức lẫn kết quả thu được từ một cuốn sách và một buổi podcast, theo dịch giả Trịnh Lữ, là rất khác nhau.
Ông Phan Đăng cũng đồng tình với dịch giả Trịnh Lữ, cho rằng bản chất của việc đọc sách là đối thoại, trên bề mặt là đối thoại với tác giả cuốn sách, nhưng sâu thẳm là đối thoại với chính mình, bằng ngôn ngữ của mình.
"Những nhà làm ngôn ngữ chia ra làm 2 loại ngôn ngữ, ngoại ngôn và nội ngôn. Khi đọc sách, ta tiếp cận bằng mắt, sự dụng nội ngôn, nó khác rất nhiều với nghe bằng tai, tiếp cận ngoại ngôn", ông nhận định. "Chúng ta hoàn toàn có thể vừa nghe đài, nghe sách nói, vừa rửa bát. Nhưng nếu chỉ nghe bằng tai, mà không có đối thoại nội ngôn, thì tôi nghĩ đó là một sự đáng tiếc rất lớn", Phan Đăng nói.