Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

PMI tháng 6 của Việt Nam cải thiện lên mức 46,2 điểm

Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm tháng thứ 4 liên tiếp, trong bối cảnh nhu cầu thị trường yếu kém.

Báo cáo về Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index (PMI) mới nhất của S&P Global cho thấy các nhà sản xuất ở Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn khi nhu cầu thị trường yếu kém vào thời điểm gần hết quý II/2023.

4 tháng liên tiếp dưới ngưỡng 50 điểm

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global PMI trong tháng 6 vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm tháng thứ tư liên tiếp. Dù tăng so với mức 45,3 điểm của tháng 5 nhưng kết quả 46,2 điểm vẫn cho thấy sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam chưa hồi phục.

PMI anh 1

Chỉ số PMI trong tháng 6 vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy các điều kiện kinh doanh tiếp tục suy giảm mạnh. Nguồn: S&P Global PMI.

Trong kỳ khảo sát này, các doanh nghiệp cho rằng tình trạng nhu cầu và các điều kiện thị trường suy giảm là nguyên nhân chính dẫn đến giảm số lượng đơn đặt hàng mới.

Tổng số lượng đơn đặt hàng mới giảm tháng thứ 4 liên tiếp, tốc độ giảm mạnh nhưng vẫn chậm hơn so với tháng 5. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm nhanh hơn tổng số lượng đơn đặt hàng mới khi nhu cầu trên thị trường quốc tế giảm.

Một số báo cáo còn cho thấy tình trạng thiếu điện do đợt nắng nóng ở Việt Nam vừa qua đã kìm hãm tăng trưởng. Theo đó, sản lượng giảm ở tất cả lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản, với tốc độ giảm tương đối mạnh.

Số lượng đơn đặt hàng mới giảm khiến các nhà sản xuất cắt giảm số lượng việc làm và hoạt động mua hàng. Việc làm đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp, với tốc độ giảm thậm chí mạnh hơn tháng 5.

Tương tự, hoạt động mua hàng cũng giảm tháng thứ tư liên tiếp, mặc dù chỉ giảm nhẹ vào cuối quý II/2023. Hoạt động mua hàng hóa đầu vào và số lượng đơn đặt hàng mới giảm khiến tồn kho hàng mua giảm. Tồn kho hàng thành phẩm cũng giảm khi sản lượng tăng chậm lại.

Môi trường nhu cầu yếu cũng làm giảm áp lực lên giá cả trong tháng 6. Trên thực tế, chi phí đầu vào đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp, tốc độ giảm mạnh và nhanh nhất kể từ tháng 4/2020.

Giá cả đầu vào giảm giúp các công ty dễ dàng hơn trong việc giảm giá bán hàng để kích thích nhu cầu. Giá cả đầu ra đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, và lần giảm giá này là đáng kể nhất trong hơn 3 năm qua.

Cùng với việc giảm áp lực lên giá cả, tình trạng thiếu nhu cầu trong ngành sản xuất cũng tạo ra năng lực dự phòng trong chuỗi cung ứng. Thời gian giao hàng của nhà cung cấp được rút ngắn với mức độ cao nhất trong gần 12 năm, và mức độ rút ngắn cao thứ nhì kể từ khi khảo sát bắt đầu vào tháng 3/2011.

Những khó khăn cho các công ty thể hiện ở một loạt chỉ số của kỳ khảo sát tháng 6 cho thấy niềm tin kinh doanh tương đối thấp, mặc dù đã tăng so với mức thấp của sáu tháng trong tháng 5. Tuy nhiên, các nhà sản xuất vẫn lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới với hy vọng nhu cầu thị trường và khả năng tìm kiếm khách hàng mới phục hồi.

Chuyên gia nói gì?

Đánh giá về kết quả khảo sát, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho hay chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam đã đưa ra một bức tranh ảm đạm về các điều kiện kinh doanh vào cuối quý II/2023, khi tình trạng thiếu nhu cầu là vấn đề chính mà các công ty đang gặp phải.

"Chúng ta cũng đang chứng kiến sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm và hàng tồn kho tiếp tục giảm như là một hệ quả. Tình trạng thiếu điện ở Việt Nam do đợt nắng nóng đã gây khó khăn thêm cho các công ty", ông nói.

Theo vị Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, giá cả giảm và thời gian giao hàng của nhà cung cấp được rút ngắn thành mức gần kỷ lục trong tháng 6.

Trong khi áp lực nghiêm trọng lên giá cả và nguồn cung những năm gần đây cần được làm dịu bớt, những xu hướng này hiện nay hầu như đang phản ánh sự yếu kém của nhu cầu và do đó có thể được xem là kém tích cực hơn so với những tháng gần đây.

"Về tổng thể, ngành sản xuất cần đẩy mạnh nhu cầu. Do đó, diễn biến ngành sản xuất toàn cầu sẽ được theo dõi chặt chẽ để nhận biết các dấu hiệu phục hồi", ông Andrew Harker nhấn mạnh.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về doanh nhân, câu chuyện kinh doanh, khởi nghiệp, vượt qua khó khăn, kinh nghiệm quản trị... tại Tủ sách doanh nhân. Những cuốn sách được chia sẻ bởi các doanh nhân nổi tiếng thế giới như Bill Gate, Warren Buffett, Elon Musk...

Chứng khoán Tân Việt có chủ tịch mới

Bà Trần Thị Cẩm Hạnh đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) kể từ ngày 26/6.

Vàng, chứng khoán Mỹ dậy sóng

Thị trường vàng và chứng khoán Mỹ đều bật tăng sau báo cáo lạm phát PCE của Mỹ. Theo đó, chỉ số này đã ghi nhận mức tăng thấp nhất trong hơn 2 năm.

Hồng Nhung

Bạn có thể quan tâm