Ba ngày sau trận mưa lũ lịch sử, con đường vào bản Nậm Há 1, xã Noọng Hẻo, huyện Sìn Hồ (Lai Châu) vẫn còn nhiều điểm sạt lở chưa khắc phục được. Đoạn đường hơn 3 km từ trung tâm xã vào bản chỉ toàn là bùn đất, cây cối ngổn ngang với giao thông hoàn toàn bị chia cắt. Muốn vào tận bản, chỉ còn cách đi bộ, băng rừng nhiều giờ chứ không có phương tiện gì khác.
Trận mưa lũ kéo dài nhiều ngày qua khiến 5 người dân trong bản bị cuốn trôi khi đi làm rẫy, đến nay vẫn chưa tìm thấy.
Gọi con chạy ra khỏi lán nhưng không kịp
Căn nhà sàn nằm giữa thôn Nậm Há 1 hôm nay càng trở nên ảm đạm. Những ngày này người dân ở đây đang vào mùa vụ gieo lúa, nhưng đa phần họ sớm nghỉ tay để cùng đến nhà anh Lò Văn Thâng hỏi thăm gia chủ có đứa con trai vừa bị nước lũ cuốn trôi.
Anh Thâng thắp nén hương trên bàn thờ tạm của cậu con trai xấu số. Ảnh: Việt Hùng. |
Người đàn ông ngoài 40 tuổi với khuôn mặt đen sạm, đôi mắt đỏ hoe cứ luôn hướng đôi mắt về chiếc bàn thờ đặt vội cho đứa con trai xấu số giữa gian nhà sàn rồi rón rén bước lại thắp nhang, cố giấu giọt nước mắt.
Anh Thâng kể 6 năm nay gia đình có làm một cái lán trên sườn núi cạnh con suối để nuôi lợn, gà cùng mấy con trâu ở cách chân núi khoảng 100 m.
"Ngày 24/6, tôi bảo con là Lò Văn Kiếm (15 tuổi) đi chăn trâu. Khoảng 14h, nó gọi điện bảo tôi là núi sạt vào hết ruộng lúa bảo tôi qua xem. Tới nơi thấy con dính mưa ướt nhẹp, tôi bảo đi tắm, thay quần áo nhưng đừng có ngủ vì nếu sạt lở nhiều thì còn gọi bố", anh nhớ lại.
Nói rồi người bố đi ra cách đó khoảng 500 m để tìm cách khơi mương nước bị đất sạt vào. Được một lúc, một tiếng nổ lớn đánh ầm một cái rồi nửa quả núi đổ ầm ầm về phía lán.
Trong tích tắc, dòng bùn đất khổng lồ đổ xuống san phẳng hết cả một khu rộng lớn.
Anh Thâng thất thần khi không thể cứu con trai. Ảnh: Việt Hùng. |
“Tôi gọi lớn để xem con có thoát ra được không nhưng tất cả đều lặng im, không có tiếng động gì. Biết không thể nào cứu được nữa nên tôi chạy về nhà gọi anh em, họ hàng ra tìm kiếm. 3 ngày nay, cán bộ huyện, xã giúp đỡ đào bới, tìm kiếm nhưng không có kết quả”, anh chùng giọng.
Người đàn ông kể khi núi sạt lở, khối lượng đất đá quá lớn khiến anh không kịp kéo con ra khỏi lán. Chỉ trong tích tắc mọi thứ đã bị san phẳng bằng bùn đất và nếu không đứng ở xa chính anh cũng không thể thoát khỏi việc bị đất đá, dòng nước lũ cuốn trôi.
Biết vợ con gặp nạn nhưng nước suối to không thể về
Phía sau căn nhà anh Thâng là nhà anh Lò Văn Xanh (34 tuổi). Xanh là em trai anh Thâng, cũng là người vừa có vợ và đứa con trai 14 tuổi mất tích vì lũ cuốn.
Cũng như gia đình anh trai, giữa gian nhà sàn cao ráo, Xanh đặt chiếc lư hương cùng gói bánh lên cái bàn nhỏ giữa nhà làm bàn thờ tạm cho vợ và đứa con xấu số bị núi lở chôn vùi.
Phía bàn tiếp khách là mâm cơm tối chỉ vỏn vẹn hai bát canh mỳ tôm pha cùng chén canh cá suối. Một người dân trong bản cho biết đó là tục lệ người đồng bào nơi đây, rằng khi gia đình có người gặp nạn mất tích chưa tìm thấy xác thì người trong nhà không được ăn thịt. Người đàn ông trong nhà còn phải buộc sợi dây màu đỏ ở cổ tay đến khi tìm được người xấu số.
Hai bát mỳ tôm, muối ớt cùng tô canh cá là những gì có thể ăn đến khi gia đình có người mất tích được tìm thấy. Ảnh: Việt Hùng. |
Theo một người trong bản, anh Xanh và chị Lò Thị Đấng có với nhau 3 người con (2 gái, 1 trai). Cuộc sống vất vả nhưng anh chị luôn bảo ban nhau cố gắng làm thêm ruộng, chăn nuôi thêm con heo, con gà kiếm tiền lo cho việc ăn học của các con.
Hôm vợ anh cùng cậu con trai Lò Văn Dũng (14 tuổi) gặp nạn là lúc hai mẹ con lên rẫy, còn anh đi làm đất gieo mạ ở cánh đồng khác. Khoảng 14h20 ngày 24/6, hai vợ chồng còn gọi điện cho nhau, nghe vợ bảo mưa lớn, bùn đất từ trên núi sạt xuống làm tắc đường mương dẫn vào ruộng nên hai mẹ con ra đào thông bãi đất chèn vào ruộng.
“Mình bảo vợ mưa lớn thì vào lán trại tránh đi, sau rồi làm. Một tiếng sau gọi lại cho vợ thì không được. Nghe tin vợ con bị lũ cuốn, ban đầu tôi không tin. Tôi chạy về nhưng nước suối dâng cao, chảy xiết nên không qua được, giờ thì không biết giờ vợ con nằm ở đâu”, anh Xanh xót xa.
Hôm sau trở về, con suối hiền hòa thường ngày anh Xanh cùng vợ lội qua để sang rẫy trở nên hung dữ, nước đổ ầm ầm. Bên kia rẫy giờ chỉ toàn là đất đá, cây cối đổ sập san phẳng một vùng.
Trong ánh mắt vô hồn của anh Xanh, ai cũng thấy như chính mình cũng đang phải gánh chịu chung nỗi đau mất đi người thân yêu nhất. Nỗi đau quá lớn đến như một cơn ác mộng với gia đình anh và những người thân.
Anh Xanh hy vọng sớm tìm thấy thi thể vợ và con trai bị lũ cuốn mất tích. Ảnh: Việt Hùng. |
Cuối bản Nậm Há 1, chị Lò Thị Tươm cũng đang trông chờ lực lượng cứu nạn tìm thấy thi thể bố Lò Văn Phim (45 tuổi) và em gái 10 tuổi Lò Thị Tăm. Bố và em gái Tươm cũng là nạn nhân bị nước lũ cuốn mất tích nhiều ngày nay.
Cô gái 25 tuổi vừa mất chồng chưa đầy một năm nay lại mất đi bố đẻ cùng em gái khiến cô không còn sức gượng dậy. Bà con hàng xóm đã phải tới động viên, cùng lo sắm tươm tất cho gia đình và hy vọng lực lượng chức năng sớm tìm thấy thi thể nạn nhân xấu số để sớm được mai táng.
Trận lũ lớn nhất hơn 30 năm qua
Ông Lò Văn Bở, Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Noọng Hẻo (Sìn Hồ), cho biết hơn 30 năm nay mới thấy lại một trận lũ lịch sử, gây thiệt hại đến người và tài sản như vậy.
“Hơn 30 năm trước từng có trận lũ quét lớn, đất đá trên núi cũng đổ xuống nhiều lắm, nhiều lán trại bị san phẳng nhưng may không có người chết, tài sản cũng không nhiều như trận lũ này”, ông Bở nhớ lại.
Trận lũ quét lớn khiến xã Noọng Hẻo (Sìn Hồ, Lai Châu) hứng chịu thiệt hại nặng về nhân mạng, tài sản. Ảnh: Việt Hùng. |
Toàn xã có 15 thôn với hơn 6.000 nhân khẩu, riêng bản Nậm Há 1 chỉ có hơn 300 nhân khẩu, đa phần họ làm lúa và nương rẫy. Mỗi vụ mùa xong người dân thường đưa nông sản lên lán trên núi để chăn nuôi nên khi xảy ra sự cố ngoài việc 5 người mất tích thì toàn bộ tài sản cũng mất sạch, nhiều người trắng tay.
Chủ tịch xã Noọng Hẻo Lù Văn Cưởi cho biết xã là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận mưa lũ toàn huyện Sìn Hồ.
“Chính quyền địa phương cùng lực lượng công an, bộ đội, cảnh sát cơ động được tỉnh huy động xuống để tìm kiếm thi thể các nạn nhân xấu số bị đất đá vùi lấp, lũ cuốn mất tích nhưng chưa có kết quả do khối lượng đất đá quá lớn”, ông Cưởi nói.
Xã Noọng Hẻo cách TP Lai Châu (Lai Châu) hơn 40 km đường núi, cách Hà Nội hơn 400 km. Ảnh: Google Maps. |
Mưa lớn kéo dài từ 23-25/6 khiến nhiều vùng các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang... xảy ra lũ lớn và sạt lở đất.
Tại Lai Châu, mưa lũ làm 14 người chết, 11 người mất tích và 7 người bị thương. Mưa lũ còn làm 244 nhà bị lũ cuốn trôi, 68 công trình hư hỏng; trên 800.000 m3 đất, đá sạt lở dọc theo các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ...