Theo bác sĩ Phạm Quốc Dũng - Phó giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức (TP HCM), sau một ngày phẫu thuật, bệnh nhi Nguyễn Thị Yến (10 tuổi, ở Dĩ An, Bình Dương) có nhiều dấu hiệu sinh tồn. Hiện môi bé đã hồng, chi ấm, mạch rõ, gọi và hỏi biết, đang duy trì an thần, giảm đau và thở máy.
Trước đó, sáng 20/10, Yến được mẹ chở đi học bằng xe máy. Sau khi va chạm với xe buýt, xe và người đổ ra đường, Yến bị xe cán qua.
Các bác sĩ đã giành sự sống cho bệnh nhi ngưng tim. |
Bé gái được chuyển đến phòng khám Vũ Cao (ở Bình Dương) sơ cứu, rồi đưa lên Bệnh viện quận Thủ Đức (TP HCM).
"Khi tiếp nhận bệnh nhi, chúng tôi thấy cháu rất nguy kịch, tiên lượng khó qua khỏi do bất tỉnh, da xanh, mạch rời rạc khó bắt. Sau đó, cháu ngưng tim, ngưng thở, như người đã tử vong", bác sĩ Dũng nhớ lại.
Tuy nhiên, các bác sĩ tại đây nghĩ còn nước còn tát, dù chỉ là chút hy vọng mong manh. Ngay lập tức, bệnh nhi được hồi sức ngưng tim và nhanh chóng chuyển vào phòng mổ.
Qua siêu âm, phát hiện Yến bị vỡ lá lách, dập thận trái, có máu trong ổ bụng. Lúc này, các bác sĩ rất căng thẳng khi xử trí hồi sức nội khoa bằng truyền máu, kết hợp với can thiệp ngoại khoa.
Trước tình huống bệnh nhi đa chấn thương và nguy kịch, bệnh viện đã huy động tất cả trưởng khoa vào phòng mổ hội chẩn. Quy trình báo động đỏ được bật lên với sự hỗ trợ của bác sĩ Đào Trung Hiếu - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1.
Cuộc hội chẩn thống nhất, ê-kíp bác sĩ Ngoại tổng quát Bệnh viện quận Thủ Đức sẽ mổ cấp cứu khẩn, cắt lách, cầm máu và thám sát ổ bụng.
Bệnh nhi bị vỡ lách độ IV, rách cơ hoành, rách một động mạch vùng chậu, đứt hoàn toàn cơ thắt lưng chậu trái, dập thận trái và tràn máu màng phổi trái.
"Từ trước tới giờ, bệnh viện chưa gặp trường hợp ngưng tim, ngưng thở mà vẫn cứu sống như bệnh nhi này" - bác sĩ Phạm Quốc Dũng nói.
"Lúc tiến hành phẫu thuật, máu bé chảy rất nhiều, không thể cầm được. Máu chảy trong ổ bụng xối xả, ngược vào khoang ngực. Ai cũng lo bệnh nhi có thể mất trên bàn mổ", bác sĩ Dũng nhớ lại giây phút cam go.
Tuy nhiên, ê kíp vẫn cố gắng khâu cơ hoành, cơ thắt lưng chậu, mạch máu, đặt dẫn lưu màng phổi trái và dẫn lưu ổ bụng.
Khó khăn nhất trong quá trình phẫu thuật là mạch và huyết áp bệnh nhi dao động liên tục, khó kiểm soát. Lúc này, các bác sĩ đã sử dụng 10 đơn vị hồng cầu lắng 250 ml, 10 đơn vị plasma tươi, 10 đơn vị kết tủa lạnh, 6 đơn vị tiểu cầu để truyền hồi sức cho bé Yến.
Sau 4 giờ căng thẳng, các bác sĩ đã giành lại sự sống cho cháu bé từ tay “thần chết”.
"Ca mổ thành công, cứu sống bệnh nhi là kết quả của sự phối hợp nhịp nhàng giữa ê kíp bác sĩ Bệnh viện quận Thủ Đức và Bệnh viện Nhi Đồng 1. Hiện bệnh nhi vẫn được theo dõi chặt chẽ do tình trạng sốc mất máu nhiều và đa chấn thương", ông Dũng thông tin.
* Tên bệnh nhi đã được thay đổi.