Trong số 10 ngư dân trên tàu ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm, em Đặng Văn Bình (SN 1995) nhỏ tuổi nhất. Khi tàu bị chìm, Bình cùng ngư dân Nguyễn Huỳnh Bá Biên còn trong cabin. Nhưng nhờ có kinh nghiệm 3 năm đi biển nên 2 người đã lặn sâu xuống, thoát ra khỏi khoang cabin để nổi lên mặt nước.
"Lúc đó, em đang chuẩn bị nấu cơm tối thì thấy chiếc tàu sắt to của Trung Quốc chạy tới rồi đâm mạnh vào đuôi tàu ĐNa 90152. Cú đâm quá mạnh làm tàu quay ngang, sau đó họ tiếp tục đâm một cú nữa làm ĐNa 90152 lật nghiêng, nước tràn vào và chìm xuống biển. Em và anh Biên đang ngồi trong khoan cabin nên phải lặn sâu xuống biển để thoát ra", em Bình kể.
Anh Biên bị thương ở vùng mặt và tay chân. |
Đang được các Cảnh sát biển thăm hỏi, động viên, thuyền trưởng Đặng Văn Nhân nhớ lại giây phút bị tàu Trung Quốc hung hăng đâm trực diện: "Khoảng 16h ngày 26/5, khi tàu tôi và một số tàu cá khác đang hoạt động cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 17 hải lý thì bị 4 tàu Trung Quốc tấn công. Thấy nguy hiểm, tôi cho tàu quay đầu, tăng tốc bỏ chạy. Nhưng được một đoạn thì thấy phía trước có 3 tàu Trung Quốc cản đường. Lúc này tàu Trung Quốc số hiệu 11209 vượt lên và đâm trực diện, hất mũi ĐNa 90152 lên cao.
Cú đâm này khiến ĐNa 90152 bị gãy bánh lái, sau đó tàu Trung Quốc tiếp tục lao vào mạng trái làm gãy be khiến tàu chúng tôi lật úp. Thấy nguy hiểm nên tôi hô hào anh em nhảy ra ngoài, nếu không thì chết hết”.
Tay phải và chân phải đang băng vết thương, ngư dân Nguyễn Huỳnh Bá Biên cho biết: "Thấy tàu Trung Quốc lao tới, biết sẽ gặp nguy hiểm, như tôi không kịp chạy ra khỏi khoang cabin. Khi tàu bị đâm phát đầu tiên thì 6 anh em lao xuống biển, trên tàu lúc này chỉ còn lại tôi và anh Nhân trên cabin, còn em Lê Văn Bình đang ở dưới khoang tàu.
Cú đâm lần 2 làm tàu bị nghiêng thì anh Nhân nhảy ra trước. Khi ĐNa 90152 lật úp, tôi và Bình bị mắc kẹt trong cabin nên đập cửa bơi ra. Lúc này nhiều miếng kính bể cắt vào chân tay khiến tôi bị thương. Tuy nhiên, nhờ tổ chức khai thác theo tổ, đội nên các tàu cá gần đó đã đến ứng cứu kịp thời, mọi người đều được cứu sống.
Khi tàu bị chìm sâu xuống biển, tôi và em Bình phải cố vùng vẫy, lặn sâu xuống để thoát ra khỏi khoang cabin trong vòng 45 giây. Nếu trễ vài giây nữa là chết đuối rồi. Nhưng chúng tôi không sợ mà bỏ biển, vì Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam”.
Không sợ tàu Trung Quốc
Có mặt tại bờ của vũng neo đậu tàu thuyền An Hải, các ngư dân của huyện đảo Lý Sơn chuyên đánh bắt cá tại vùng biển Hoàng Sa tiếp tục tố cáo tội ác của Trung Quốc khi đâm chìm tàu cá Việt Nam. Một ngư dân kể, ngày 7/5, tàu cá của Quảng Ngãi QNg 96416 cùng 16 ngư dân bị tàu Trung Quốc 1241 bắn đạn lửa; phun vòi rồng; dùng búa, chai lọ ném sang; dùng câu liêm cắt đứt dây và hệ thống liên lạc, định vị.
Sau đó, thêm 1 tàu ngư chính Trung Quốc chưa rõ số hiệu đã khống chế, đâm thẳng vào tàu gây vỡ mạn phải và toàn bộ kính cabin, hỏng nhiều thiết bị và tài sản trên tàu. Thiệt hại ước tính gần 1 tỷ đồng.
Tiếp đó, ngày 16/5, tàu cá của Quảng Ngãi QNg 90205 khi đang hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu ngư chính Trung Quốc số hiệu 306 chạy đến khống chế.
Thuyền trưởng tàu ĐNa 90152 kể lại giây phút bị tàu Trung Quốc đâm. |
Là ngư dân lớn tuổi nhất trên tàu ĐNa 90152, hơn 30 năm đánh bắt cá tại vùng biển Hoàng Sa, ông Nguyễn Văn Hòa (sinh năm 1960, ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) nói: "Trung Quốc quá hung hăng khi cho tàu sắt loại lớn đâm chìm tàu cá ĐNa 90152. Khi thấy tàu bị nghiêng một bên, họ tiếp tục tăng tốc lao vào đâm phát nữa làm tàu chìm hẳn. Đây là tội ác không thể tha thứ được. Dù thế, chúng tôi vẫn quyết ra khơi bám biển".
Có mặt cùng đoàn công tác đón các ngư dân trở về đất liền, Đại tá Trần Văn Dũng, Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 2, bày tỏ sự phẫn nộ trước hành động ngang ngược của tàu Trung Quốc. "Vùng Cảnh sát biển 2 cực lực phản đối hành động ngang ngược, hung tàn của phía Trung Quốc khi cho tàu sắt đâm chìm tàu đánh cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng. Đó là hành động cố tình giết chết ngư dân", Đại tá Dũng bức xúc.