Sáng 7/9, ông Nguyễn Văn Thoại - Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Nam cho biết, chiều nay đơn vị sẽ gửi văn bản đề nghị các cơ quan công an vào cuộc, điều tra làm rõ việc 3 thanh thiếu niên tố bị một chủ gỗ ở huyện Thăng Bình bóc lột sức lao động gần 40 ngày trong rừng.
Tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Nam, Hồ Văn Băng (21 tuổi), Hồ Văn Đồi (14 tuổi) và Hồ Văn Điếu (15 tuổi, cùng trú xã Trà Linh, huyện Nam Trà My) vẫn chưa hết bàng hoàng.
Gia đình nghèo khó nên học hết cấp 2, các em phải bỏ học để đi làm thuê. Ngày 20/7, trong lúc đang thất nghiệp, 3 em được người phụ nữ tên Năm (ngụ cùng xã) giới thiệu đi làm việc tại một trại gỗ ở huyện Thăng Bình.
Người này hứa cho các em sẽ làm những việc nhẹ với mức lương 3 triệu đồng/tháng. "Nghe cô Năm nói thế, bọn em mừng lắm, khăn gói xuống Thăng Bình gặp ông Phước. Những ngày đầu, chúng em cũng chỉ làm những công việc vặt, phù hợp với sức khỏe. Nhưng sau đó, ông ta đưa bọn em vào rừng để đốn gỗ, khiêng cây...", Hồ Văn Đồi kể.
Ở giữa rừng núi, hàng ngày các em cho rằng phải dậy từ lúc 5h để cùng ông chủ cưa các cây gỗ lớn. Sau đó phải vác những khúc gỗ vượt 5 - 7 km ra đường lớn để chất lên ôtô.
"Đến 11h30, chúng em mới được nghỉ 30 phút để ăn cơm. Ngày mưa cũng như nắng, bọn em làm việc từ sáng đến khi trời tối", Bằng nhớ lại.
Ba nạn nhân kể về sự việc. Ảnh: Nguyên Vũ. |
Cũng theo các nạn nhân, cứ từ 2 đến 3 ngày, ông Phước cho người mang gạo lên để tự nấu ăn, dùng nước ở một chiếc giếng khơi trong rừng. "Làm việc nặng và nhớ nhà, hàng đêm chúng em chỉ biết ôm nhau khóc. Khi phát hiện bọn em gọi về cho bố mẹ, ông Phước tịch thu cả 3 chiếc điện thoại", Điếu kể.
Sau hơn 40 ngày làm việc vất vả, cả 3 em đòi lương để gửi về cho gia đình thì bị ông chủ đe dọa. Tối 3/9, những người này bàn nhau trốn thoát.
"Cả đêm hôm đó, bọn em không ngủ được vì sợ ông chủ biết kế hoạch bỏ trốn. Đến rạng sáng 4/9, cả 3 thức dậy rồi chạy một mạch trốn thoát. Khi đó, trời còn tối nên bọn em mất phương hướng. Đến khoảng 9h mới ra được đường lớn ở xã Bình Lâm (huyện Hiệp Đức).
Lúc này, tụi em gần như kiệt sức vì mệt và đói. Khi đang ngồi nghỉ ở ven đường thì có một chú công an đến hỏi thăm. Nghe chúng em kể, chú ấy dẫn cả 3 đứa vào quán cho ăn mì Quảng", thanh niên 21 tuổi kể.
Trao đổi với PV, ông Hồng Quang Hải (công an viên xã Bình Lâm) cho biết, sáng 4/9, khi đang trực tại cơ quan thì nhận được tin báo của người dân về việc có 3 thanh thiếu niên vừa chạy trong rừng ra với trạng thái hốt hoảng. Ngay lập tức, ông đến hiện trường để nắm tình hình.
"Khi tôi đến nơi, cả 3 cháu sắp bị ngất vì đói. Tôi dẫn vào quán mua đồ ăn, nước uống. Khoảng 20 phút sau, 3 đứa mới bình tĩnh kể lại sự việc", ông Hải nói.
Khi công an viên và 3 thanh thiếu niên đang ngồi trong quán thì 2 người em của ông Phước tên Thó và Lộc chạy đến. Ban đầu, họ dùng lời lẽ ngon ngọt dụ dỗ 3 em trở lại làm việc. Khi ông Hải không cho 3 nạn nhân đi, 2 người này lập tức đe dọa.
"Thấy tình hình khẩn cấp, tôi gọi điện báo về đơn vị. Ngay lập tức, anh Nguyễn Tấn Hòa (trưởng Công an xã Bình Lâm) cùng 3 công viên có mặt tại hiện trường", ông Hải kể.
Cuộc giằng co kéo dài hơn 1 giờ. Mặc dù công an đã giải thích nhưng 2 anh em nhà ông Phước vẫn xông vào hành hung. Trước tình thế đó, Trưởng Công an xã Bình Lâm ra lệnh cho các thuộc cấp khống chế, mời 2 người về trụ sở làm việc.
"Tại đây, họ khai là em ruột của ông Phước. Khi lên đến lán trại, không thấy 3 thanh thiếu niên nên ông Phước gọi điện yêu cầu 2 người em đi tìm", ông Hải thuật lại lời khai của Lộc.
Sau khi lập biên bản, Công an xã Bình Lâm báo cáo sự việc lên cấp trên. Đến chiều cùng ngày, nhà chức trách bàn giao 3 thanh thiếu niên cho Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Nam chăm sóc.
PV đến nhà ông Phước để tìm hiểu vụ việc nhưng không gặp nên phải liên lạc qua điện thoại. Ông này cho biết, 3 thanh thiếu niên tự tìm đến xin việc. Do đây là việc làm thời vụ nên không ký hợp đồng lao động với ai.
"3 người này làm thuê cho tôi là đúng. Trong quá trình lao động, tôi không đánh đập hay đe dọa các cháu. Còn về số tiền lương, tôi chưa trả chứ không phải không trả. Nếu các cháu cho rằng, công việc trên quá nặng thì tự nghỉ, tôi không ép", ông Phước nói rồi tắt máy.
Trao đổi với Zing.vn, đại tá Nguyễn Thế Nghiệp - Trưởng phòng PC45 Công an tỉnh Quảng Nam cho biết: "Chúng tôi đã biết thông tin ban đầu về sự việc từ báo chí và Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Đơn vị cũng đang cử người đi xác minh thực hư vấn đề. Nếu đúng ông Phước có hành vi bóc lột sức lao động như các thanh thiếu niên tố cáo, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm theo luật định".
Theo đại tá Nghiệp, Phòng PC45 cũng đã giải cứu 7 thiếu niên cùng 14 tuổi trú xã Trà Vinh và Trà Cang (huyện Nam Trà My) bị bóc lột lao động.
Trước đó, vào đầu tháng 5, tranh thủ dịp nghỉ hè, nhóm 4 học sinh ở đây được người phụ nữ ở cùng huyện giới thiệu đi làm việc với mức lương 3 triệu/tháng.
Tuy nhiên, cả 4 sau đó được đưa vào một trang trại trong rừng ở tỉnh Lâm Đồng để làm các công việc nặng nhọc.
10 ngày sau, hai em trong đó bỏ trốn thành công và trình báo sự việc với công an. PC45 đã vào cuộc điều tra và giải cứu thêm 5 học sinh.