Theo Reuters, Mỹ, Australia, Pháp và Anh sẽ mở đại sứ quán mới tại các quốc đảo trong khu vực Thái Bình Dương, cải tổ nhân sự, tích cực hợp tác với chính quyền các quốc gia này nhằm chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Theo các chuyên gia, cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng tại những quốc đảo dân cư thưa thớt ở Thái Bình Dương có tầm quan trọng không hề nhỏ. Mỗi quốc đảo đều có quyền bỏ phiếu tại các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc, và họ cũng kiểm soát những vùng biển rộng.
Ông Josaia Voreqe Bainimarama, thủ tướng quốc đảo Fiji ở Thái Bình Dương, bước cạnh Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong chuyến thăm Bắc Kinh năm 2015. Ảnh: Reuters. |
Phương Tây cần hiện diện tương xứng ở khu vực
Từ năm 2011, Trung Quốc đã chi 1,3 tỷ USD cho các khoản vay và quà tặng ưu đãi, trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai tại khu vực Thái Bình Dương sau Australia. Điều này khiến phương Tây lo ngại một số quốc gia nhỏ có thể trở thành con nợ lớn của Trung Quốc.
Đáp lại, Australia, New Zealand và Mỹ khẳng định sẽ tăng viện trợ kinh tế và mở rộng hiện diện ngoại giao ở các nước trong khu vực, theo một số quan chức chính phủ và nhà ngoại giao.
"Chúng tôi lo ngại chính sách của Trung Quốc có thể khiến các quốc gia rơi vào tình trạng 'quá tải' nợ nần", nguồn tin thuộc chính phủ Mỹ cho biết.
Nhiều quan chức Mỹ cho rằng Washington cần có sự hiện diện tương xứng tại các nước trong khu vực Thái Bình Dương, cung cấp cho các quốc gia này nhiều sự lựa chọn hơn và cảnh báo những hậu quả có thể xảy đến nếu họ nhận hỗ trợ từ những nguồn khác.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia chưa đưa ra bình luận gì về những thông tin trên. Trước đó, đại sứ Trung Quốc tại đây khẳng định Bắc Kinh đảm bảo người vay có khả năng trả nợ.
Các quốc đảo trong khu vực Thái Bình Dương. Bản đồ: Billtrips. |
Reuters dẫn các nguồn tin từ chính phủ Mỹ cho biết Washington sẽ gửi nhiều nhân viên ngoại giao hơn đến một số quốc đảo ở Thái Bình Dương như Palau, Liên bang Micronesia và Fiji trong vòng 2 năm tới.
Theo dự kiến, chính phủ Australia sẽ bổ nhiệm cao ủy đầu tiên của nước này tại quốc đảo Tuvalu, vị trí mà Canberra quyết định thành lập chỉ vài tháng trước.
Nhiều nguồn tin cho biết Anh sẽ mở cơ quan đại diện ngoại giao tại Vanuatu, Tonga và Samoa trước tháng 5/2019. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macro đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa các lãnh đạo quốc đảo Thái Bình Dương đầu năm tới.
Đối trọng với Trung Quốc
Trung Quốc không chỉ đưa ra các gói viện trợ để xây dựng tầm ảnh hưởng trong khu vực.
Đến cuối năm 2018, quốc đảo Fiji dự kiến sẽ nhận tàu khảo sát thủy văn từ Trung Quốc, người đứng đầu quân đội Fiji trả lời Reuters. Đây sẽ là món quà quân sự đầu tiên mà Trung Quốc tặng cho các quốc đảo trong khu vực Thái Bình Dương.
Theo nhiều nhà ngoại giao phương Tây, động thái này thể hiện nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ Fiji, một trong những nền kinh tế lớn nhất khu vực.
"Fiji có nền kinh tế vững mạnh nhờ du lịch phát triển, quốc đảo này có nhiều sự lựa chọn về viện trợ tài chính", một cựu quan chức ngoại giao Australia cho biết.
Cựu thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (phải) bắt tay ông Akilisi Pohiva, thủ tướng quốc đảo Tonga. Ảnh: AAP. |
Trong khi đó, một số quốc đảo như Palau và Tuvalu công nhận Đài Loan, vùng lãnh thổ mà Trung Quốc xem là của họ.
Các nước phương Tây hướng đến mục tiêu xây dựng mối quan hệ ở những quốc đảo ở khu vực Thái Bình Dương. Trong tuần tới, lực lượng các nước Papua New Guinea, Fiji và Tonga sẽ tham gia tập trận quân sự ở vùng biển phía bắc Australia, cùng một số quan chức từ Mỹ, Pháp và Nhật Bản. Nhận lời mời của nước chủ nhà Australia, Trung Quốc cũng sẽ tham gia sự kiện này.
"Các đồng minh phương Tây sẽ đẩy mạnh phát triển trong khu vực. Ấn Độ - Thái Bình Dương có vùng biển lớn, và lực lượng Hải quân vững mạnh sẽ giúp xây dựng nền quốc phòng vững mạnh", bà Andrea Thompson, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế, nói.