Điểm rò rỉ đường ống Nord Stream ngoài khơi đảo Bornholm, Đan Mạch. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch |
Sau ba ngày phát hiện sự cố, nguyên nhân của vụ rò rỉ vẫn chưa được làm rõ. Phía Nga cho rằng đây có thể là “hành động khủng bố, có thể ở cấp độ nhà nước”, theo TASS.
Trong khi đó, giới chức phương Tây nhận định đây có thể là một vụ phá hoại và tuyên bố sẽ có phản ứng kiên quyết trước vụ việc, AFP cho biết.
Vì nguyên nhân an toàn, một cuộc điều tra sẽ chỉ có thể diễn ra sau vài tuần, Guardian chỉ ra.
Ngay sau vụ rò rỉ, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Støre đã yêu cầu quân đội và cảnh sát nước này tăng cường tuần tra cơ sở hạ tầng dầu khí của đất nước - bao gồm các đường ống dẫn.
Trước đó, giới chức an toàn dầu khí Na Uy đã phát hiện một số máy bay không người lái chưa rõ lai lịch bay gần các giàn khoan dầu khí của nước này từ hôm 26/9. Thủ tướng Støre gọi đây là hoạt động “bất thường”.
Phản ứng của Na Uy cho thấy sự cố đường ống Nord Stream đã mang đến cho phương Tây mối lo ngại mới - các cuộc tấn công đường ống, dây cáp ngầm dưới đáy biển, vốn không phải mục tiêu dễ dàng bảo vệ.
Mối lo hiện hữu
Na Uy là nguồn cung khí tự nhiên chính của châu Âu và sở hữu gần 9.000 km đường ống dẫn. Mọi vấn đề với hoạt động cung cấp có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng. Trong khi đó, nếu những đường ống này bị vỡ hay rò rỉ, một thảm họa sinh thái sẽ xảy ra.
Trước các mối lo ngại này, Oslo đã kêu gọi các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hỗ trợ tuần tra cơ sở hạ tầng dầu khí.
“Phản ứng của Na Uy là điều có thể hiểu được”, đô đốc Ben Key, người đứng đầu hải quân Anh, nói. “Mọi thứ dưới đáy biển đều dễ bị tấn công - từ đường ống dẫn khí tới cáp dữ liệu. Do đó, các tổ chức như Hải quân Hoàng gia Anh - nhưng không chỉ chúng tôi - có trách nhiệm theo dõi và đảm bảo an ninh xung quanh chúng”.
Sự cố với đường ống Nord Stream khiến phương Tây lo ngại. Ảnh: Reuters. |
Phát biểu trên tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trong chuyến thăm tới thành phố New York (Mỹ), ông Key cho biết bản thân chưa thể tiết lộ chi tiết các biện pháp được hải quân Anh áp dụng. “Chúng tôi đang giám sát chặt chẽ những nơi dễ bị tấn công nhất”, vị đô đốc cho biết.
Khi nhiều chính trị gia phương Tây cáo buộc Nga đứng đằng sau sự cố, ông Key cho rằng chưa có bằng chứng rõ ràng.
“Chúng ta phải thật cẩn trọng khi lựa chọn ngôn ngữ mang tính quy chụp trực tiếp vào thời điểm này vì tôi không nghĩ mọi thứ đã rõ ràng”, vị đô đốc nói.
Không chỉ lo ngại về các đường ống dẫn khí, phương Tây cũng phụ thuộc vào các đường cáp ngầm, vốn lưu chuyển trên 90% dữ liệu Internet của thế giới. Nếu các tuyến cáp này bị hư hại, khủng hoảng sẽ xảy ra trên nhiều lĩnh vực, tác động tới mọi mặt của cuộc sống hiện đại.
Trong khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc của Nga chủ yếu được đặt trên đất liền.
“Thông tin của thế giới phụ thuộc vào các tuyến cáp kể trên”, Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh Tony Radakin nói. “Đây là điều rất nhạy cảm. Chúng tôi có nhiều hệ thống để bảo vệ mạng lưới này, nhưng chúng tôi cũng công nhận có những lĩnh vực cần được đầu tư thêm".
Khả năng bảo vệ
Ông Radakin cho biết hải quân Anh sắp sở hữu tàu giám sát đại dương đa chức năng đặc biệt để tuần tra và bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới lòng biển. Con tàu này sử dụng hệ thống cảm biến và các tàu ngầm không người lái. Tuy nhiên, các con tàu này khó có khả năng đi vào hoạt động trước năm 2024.
Trong nhiều năm qua, các tàu ngầm của Nga đã được phát hiện gần các tuyến đường ống và cáp ngầm quan trọng dưới đáy biển. Giới chức phương Tây nhận định chưa có dấu hiệu cho thấy Nga tăng cường hoạt động này kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng phát hồi tháng 2.
Bên cạnh đường ống dẫn khí, các tuyến cáp ngầm cũng dễ bị tấn công. Ảnh: BBC. |
Quân đội Nga sở hữu các “tàu ngầm mini” chạy bằng năng lượng hạt nhân. Hoạt động được ở độ sâu 1.000 m, các tàu ngầm này sở hữu các “cánh tay robot” có khả năng cắt cáp.
Loại tàu ngầm mini này không có khả năng tự di chuyển đến nơi hoạt động mà phụ thuộc vào các tàu ngầm lớn hơn. Hải quân Nga sở hữu hai lớp tàu hiện đại có khả năng này - lớp Podmoskovye và Belgorod.
Giới chức quốc phòng phương Tây cho rằng theo dõi các tàu ngầm lớn là năng lực then chốt nếu muốn ngăn chặn khả năng tấn công của Nga.
“Chúng tôi thường xuyên theo dõi các hoạt động bên ngoài Kaliningrad và bán đảo Kola”, một quan chức quân sự Bắc Âu đề cập đến hai trung tâm hoạt động của hải quân Nga. Vị quan chức cho biết đây là hai điểm nghẽn mà hải quân Nga buộc phải đi qua nếu muốn tiếp cận biển Baltic hoặc khu vực Bắc Đại Tây Dương.
“Dù vậy, (các tàu ngầm) có thể được đưa đến bằng tàu cá, loại tàu có thể tới nơi một tháng trước vụ tấn công”, người này nói.