Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phương Tây khốn đốn vì ‘tin tặc’ Trung Quốc

Phương Tây không chỉ lo ngại về sự lớn mạnh kinh tế của Trung Quốc, mà còn “mất ăn mất ngủ” vì hacker Trung Hoa.

Phương Tây khốn đốn vì ‘tin tặc’ Trung Quốc

 

Phương Tây không chỉ lo ngại về sự lớn mạnh kinh tế của Trung Quốc, mà còn “mất ăn mất ngủ” vì hacker Trung Hoa.

>>Hacker Philippines tiếp tục hạ 14 website Trung Quốc
>>Anonymous đe dọa tiếp tục tấn công Trung Quốc
>>Đánh sập 'lò' đào tạo hacker lớn nhất Trung Quốc

“Kẻ cắp gặp bà già”

Trong bài viết “Châu Âu nằm dưới sự theo dõi của tin tặc Trung Hoa”, nhật báo Libération ngày 30/7 viết: Hồi tháng 7 năm ngoái, một nhóm gián điệp mạng của Trung Quốc đã thâm nhập thành công vào hộp thư điện tử các quan chức Hội đồng Châu Âu đến… 5 lần.

Nhóm hacker này tưởng rằng việc làm trên “trời không biết, đất không hay”. Nhưng ngờ đâu một nhóm chuyên gia chống tin tặc tại Mỹ bao gồm các giảng viên đại học và các công ty từng là nạn nhân của “hacker Trung Hoa” đã biết tận tường vụ việc. Câu chuyện bỗng chốc được cả thế giới biết đến khi vào cuối tuần qua, tập đoàn truyền thông và tài chính Bloomberg của Mỹ đã công bố kết quả điều tra về vụ việc.

Theo cuộc điều tra nói trên, thủ phạm vụ hacker vừa đề cập là một nhóm hacker mạng mà mật vụ Mỹ đặt cho cái tên là “Byzantine Candor”. Theo tài liệu mà Wikeleaks đã từng công bố, các nhà ngoại giao Mỹ cho rằng nhóm hacker này thuộc quyền quản lý của Quân đội Trung Quốc, có trụ sở tại Thượng Hải.

Ngoài Hội đồng Châu Âu, nạn nhân của “Byzantine Candor” còn có ít nhất 20 công ty phương Tây, trong đó có tập đoàn dầu lửa Halliburton. Điểm chung của các công ty nạn nhân này là có những dữ liệu hoặc những kỹ nghệ mới có thể có lợi cho Trung Quốc.

Ngoài “Byzantine Candor”, các chuyên gia Mỹ cho biết còn có từ 10 đến 20 nhóm hacker khác ở Trung Quốc. Các nhóm này hoạt động rất có tổ chức, chúng rất biết cách “xóa dấu vết” để không bị truy ra nguồn gốc. Thế nhưng, chúng không ngờ "kẻ cắp gặp bà già", mọi hành vi thâm nhập bí mật của chúng lại bị các chuyên gia Mỹ bí mật quan sát tường tận.

Libération nhắc lại, câu chuyện hacker Trung Quốc đã bắt đầu từ hơn chục năm nay, với mục tiêu chính là những đối tượng mà chính quyền Bắc Kinh xem là kẻ thù và các công ty vũ khí lớn ở phương Tây, đặc biệt là của Mỹ. Hồi tháng 8/2011, có đến 70 công ty của Mỹ, Hy Lạp, Đài Loan và Kazakhstan đã bị tin tặc xâm nhập. Khi ấy, một nghiên cứu của Mỹ đã khẳng định hacker Trung Quốc chính là thủ phạm.

Mối lo này không của riêng ai

Theo Libération, xem ra ai cũng có thể trở thành nạn nhân của hacker Trung Quốc. Nỗi ám ảnh đến mức mà hồi tháng Sáu rồi, trước khi đặt chân lên lãnh thổ Trung Quốc trong chuyến thăm chính thức nước này, Bộ trưởng Quốc phòng Australia, ông Stephen Smith, đã đề phòng bằng cách không mang theo điện thoại di động và máy tính xách tay.

Năm ngoái, một quan chức cấp cao Mỹ khẳng định rằng Trung Quốc đã đầu tư những khoản tiền khổng lồ để phát triển công nghệ gián điệp mạng và hiện tại nước này đã có trong tay một tổ chức gián điệp rất lớn và rất “thiện chiến”.

Năm ngoái, truyền hình quốc gia Trung Quốc đã cho phát một phim tài liệu về chủ đề khoa học và công nghệ quốc phòng, trong đó cho biết nước này đã trang bị được “nhiều phương tiện tấn công mạng” và còn đưa ra minh chứng là đã tấn công thành công một trang mạng ở Bắc Mỹ của một nhóm Pháp Luân Công vốn bị Bắc Kinh cho là "tà đạo".

Nói về nhân lực của các tổ chức hacker Trung Quốc, Libération cho biết quân đội Trung Quốc đã tuyển mộ nhiều ngàn người đang làm việc ở các công ty công nghệ hoặc đang nghiên cứu giảng dạy ở các trường đại học.

Theo Đất Việt

Theo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm