Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phương Tây báo động TQ khai thác tư nhân để phát triển quốc phòng

Bắc Kinh đang khai thác nhiều hơn các nhà thầu tư nhân để phát triển quốc phòng và điều đó có thể khiến phương Tây vô tình giúp Trung Quốc xây dựng quân đội.

Theo một số quan chức và một báo cáo mới, Bắc Kinh đang khai thác các công ty tư nhân Trung Quốc để mua công nghệ nước ngoài cho quân đội, một chiến lược khiến các nhà lãnh đạo ở Washington kêu gọi chính sách an ninh quốc gia Mỹ, Wall Street Journal cho biết.

Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là người khởi xướng chiến lược, nhằm thúc đẩy các công ty tư nhân đấu thầu các hợp đồng quốc phòng, như là một phần trong nỗ lực hợp nhất dân sự với quân sự để nâng cấp ngành công nghiệp vũ khí, vốn bị chi phối bởi một số nhà thầu và viện nghiên cứu không mấy hiệu quả.

Chiến lược của Trung Quốc được nhấn mạnh trong báo cáo của Trung tâm nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (C4ADS), tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington.

Nguy cơ đáng báo động

Báo cáo khiến các quan chức Mỹ lo ngại, rằng đây là một nước cờ trọng tâm trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xây dựng quân đội tầm cỡ thế giới, có thể thách thức Mỹ ở châu Á và hơn thế nữa.

Chiến lược của Trung Quốc đang tạo ra rủi ro cho các công ty và nhà nghiên cứu nước ngoài, vô tình giúp quân đội Trung Quốc có được công nghệ và chuyên môn cần thiết để tăng cường sức mạnh, theo báo cáo của C4ADS công bố hôm 25/9.

Trung Quoc khai thac cong nghe nuoc ngoai anh 1
Mô hình hệ thống điều khiển trung tâm trên tàu chiến do công ty Highlander chế tạo thông qua hợp tác với các công ty phương Tây. Ảnh: Highlander.

C4ADS có trụ sở tại Washington, cho biết họ đã chia sẻ những phát hiện của mình cho các bên liên quan, bao gồm chính phủ, các nhà lập pháp, nhà thầu quốc phòng, tổ chức tài chính và công ty khởi nghiệp ở thung lũng Silicon.

Bắc Kinh đã có những nỗ lực tương tự trong quá khứ, nhưng sự đổi mới trong chiến lược của họ khiến nó trở nên khác biệt và gây khó khăn cho Mỹ. Cơ sở công nghiệp và vốn của Trung Quốc ngày càng mạnh hơn trước rất nhiều. Các công ty của Trung Quốc tham gia vào kinh doanh và nghiên cứu ở nước ngoài nhiều hơn.

Hiện tại các công nghệ dân sự tiên tiến như máy bay không người lái, trí tuệ nhân tạo cũng dễ dàng sử dụng trong thiết bị quân sự hiện đại, làm lu mờ ranh giới giữa ứng dụng dành cho quân sự và dân sự.

Trong một bài phát biểu vào năm 2018, Chủ tịch Tập tuyên bố việc hợp nhất quân, dân sự là một lựa chọn cần thiết để đạt được mục tiêu về xây dựng quân đội mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

Trung Quoc khai thac cong nghe nuoc ngoai anh 2
Công ty Highlander đóng góp nhiều công nghệ tiên tiến trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc. Ảnh: AP.

Một trong những bằng chứng về sự hợp nhất đó được nêu chi tiết trong báo cáo của C4ADS, đó là trường hợp của Công ty Công nghệ Kỹ thuật số Bắc Kinh Highlander, đã sử dụng một loạt các thỏa thuận trên khắp châu Âu và Canada, để góp phần xây dựng quân đội Trung Quốc, bao gồm việc đóng góp công nghệ cho tàu sân bay đầu tiên của nước này.

Công ty này đề cao vai trò của họ đối với công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Hồ sơ của công ty, bao gồm báo cáo thường niên năm 2017, nói rằng các sản phẩm của họ được sử dụng trên hầu hết tàu chiến Trung Quốc, theo C4ADS.

Theo báo cáo, Highlander đã thực hiện một số thỏa thuận với các công ty quốc tế chuyên cung cấp thiết bị quân sự cho quân đội phương Tây vào năm 2004. Năm 2016, Highlander đã tìm cách mua lại Công ty Oceanworks International Corp của Canada.

Hải quân Mỹ là khách hàng của công ty này và nỗ lực của Highlander đã gặp phải sự phản đối của chính phủ Canada. Các quan chức Canada đã yêu cầu Highlander thoái vốn khỏi Oceanworks vào năm 2017 và chặn đứng mọi quyền truy cập vào bí mật công nghệ và thương mại của Oceanworks.

Theo hồ sơ của tòa án Mỹ, Glen Omer Viau, giám đốc điều hành của Oceanworks và công ty của ông đã nhận tội liên quan đến việc chia sẻ thông tin với Trung Quốc về hệ thống cứu hộ tàu ngầm Mỹ.

Preston Burton, luật sư của Công ty luật Buckley LLP, người đại diện cho các bị cáo từ chối bình luận. Highlander cũng từ chối phản hồi. Văn phòng luật sư Mỹ ở Washington cũng từ chối bình luận.

Trường hợp của Highlander chỉ là một trong những ví dụ điển hình cho việc sử dụng các công ty tư nhân để tiếp cận công nghệ quân sự nước ngoài của Trung Quốc.

Mỹ cần hành động nhiều hơn

Tầm nhìn của Chủ tịch Tập về xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng hiệu quả hơn chủ yếu dựa trên mô hình của Mỹ. Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể trong chiến lược của Mỹ và Trung Quốc.

Trung Quoc khai thac cong nghe nuoc ngoai anh 3
Trực thăng Z-19 được Trung Quốc quân sự hóa sau khi mua giấy phép sản xuất trực thăng dân sự Eurocopter AS365 Dauphin của châu Âu. Ảnh: Sina.

“Không giống như ở Mỹ, các công ty Trung Quốc không thể từ chối sự tham gia của chính phủ. Các công ty tham gia xây dựng quân đội cũng thực hiện hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ tràn lan, điều mà Mỹ không khuyến khích các công ty thực hiện. Tôi không nghĩ rằng chúng ta nên sử dụng các công ty tư nhân để tận dụng mối quan hệ thương mại của họ như những tên trộm trong đêm”, Christopher Ashley Ford, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về An ninh và không phổ biến vũ khí nói trong một cuộc phỏng vấn.

Tạo ra một phản ứng hiệu quả hơn đối với chính sách hợp nhất quân -dân sự của Trung Quốc đang trở thành vấn đề cấp bách đối với Mỹ. Washington và Bắc Kinh không chỉ đối đầu nhau trong lĩnh vực thương mại, mà còn là cuộc đấu tranh rộng lớn hơn cho sự thống trị công nghệ, uy quyền quân sự ở châu Á và ảnh hưởng chính trị trên toàn thế giới.

Nhiều người trong cộng đồng an ninh quốc gia cảm thấy Mỹ cần hành động nhiều hơn nữa. Năm ngoái, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật thắt chặt sự giám sát đối với hàng hóa xuất khẩu và đầu tư nước ngoài vào Mỹ. Hai công cụ này có thể ngăn chặn nỗ lực của Trung Quốc trong việc tiếp cận công nghệ tiên tiến từ nước ngoài.

Cựu sĩ quan tình báo Mỹ lĩnh 10 năm tù vì làm gián điệp cho Trung Quốc

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết một cựu sĩ quan tình báo nước này vừa bị kết án 10 năm tù hôm 24/9 vì tội làm gián điệp cho Trung Quốc, phản bội đất nước vì tiền.

Giám đốc công ty Trung Quốc bị nghi bán bí mật tàu sân bay

Một giám đốc điều hành của Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc (SCIS) có thể đang bị điều tra vì cho phép gián điệp Mỹ tiếp cận thông tin mật về tàu sân bay Liêu Ninh.


Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm