Mạng xã hội đang bàn luận nhiều về phương pháp kéo dài chân có thể giúp cao thêm 16 cm với chi phí 35-40 triệu đồng. Tuy nhiên, PGS.TS Lê Văn Đoàn, Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho rằng những thông tin này chưa thực sự chính xác.
“Mặc dù kéo dài chân rất hữu ích, song, nó có những chỉ định và khuyến cáo nhất định. Nếu không hiểu rõ, nhiều người sẽ bị ảo tưởng về cách cải thiện chiều cao này”, PGS Đoàn nói.
PGS Lê Văn Đoàn và nữ bệnh nhân kéo dài chân 10 cm (từ 1,4 m lên 1,5 m). Ảnh: BSCC. |
Độ tuổi có thể phẫu thuật kéo dài chân
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là một trong những đơn vị ở Việt Nam có thể thực hiện kỹ thuật kéo dài chân với số cm kỷ lục.
PGS Lê Văn Đoàn cho biết đây là phẫu thuật phức tạp. Kỹ thuật này có cách đây hàng trăm năm. Mục đích ban đầu nhằm điều trị các bệnh lý chân ngắn chân dài, do di chứng thương tật từ chiến tranh, lao động, những trường hợp bị viêm xương hoặc do phải cắt u xương dẫn đến chân cao chân thấp, hoặc các bệnh nhân bị bệnh bại liệt…
Ở nước ta, từ năm 1995, khi xóa bỏ được bại liệt nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng, những trường hợp bị tật chân ngắn, chân dài giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, các nguyên nhân từ chấn thương sau tai nạn, viêm xương khớp vẫn khiến nhiều bệnh nhân mắc dị tật này. Đặc biệt, nhu cầu kéo dài xương vì mục đích thẩm mỹ cũng tăng lên.
Kéo dài chân hiện được áp dụng cho hai trường hợp là điều trị bệnh lý và thẩm mỹ. Với trường hợp điều trị bệnh lý như mất đoạn xương cần kéo bù lại hoặc tật chân ngắn không đều cần kéo dài cho bằng nhau, không giới hạn độ tuổi có thể thực hiện. Bệnh nhân 50-60 tuổi vẫn có thể thực hiện.
Với nhóm kéo dài chân thẩm mỹ, độ tuổi có thể thực hiện là dưới 40. Chuyên gia khuyến cáo người dân có nhu cầu nên phẫu thuật khi càng trẻ càng tốt.
Có thể kéo dài chân thêm bao nhiêu cm?
PGS.TS Lê Văn Đoàn cho biết về lý thuyết, muốn kéo dài chân bao nhiêu tùy ý, theo nhu cầu bệnh nhân. Song, chuyên gia cần tư vấn để có chiều dài hợp lý và cân xứng với cơ thể. Ngoài ra, điều này cũng giúp hạn chế thấp nhất các biến chứng.
“Cách đây 20 năm, chúng tôi đã kéo dài một chân lên tới 16 cm cho bệnh nhân bị bệnh lý chân cao thấp, kéo ở hai phần cẳng chân và đùi, gây ảnh hưởng đời sống rất nhiều. Sau khi kéo thêm 16 cm, chiều dài của chân được kéo đã bằng chân còn lại. Còn với nhóm kéo dài chân thẩm mỹ, 10 cm là kỷ lục hiện nay”, PGS Đoàn cho hay.
Cũng theo bác sĩ này, kéo dài chân là kỹ thuật không được bảo hiểm chi trả. Hiện, chi phí mà bệnh nhân phải trả bao gồm tiền đinh, khung cho hai chân, thuốc men, phẫu thuật nhiều lần, tháo khung… khoảng hơn 100 triệu đồng.
Để có được chiều cao như ý muốn, bệnh nhân phải trải qua cả một quá trình, bắt đầu từ việc phẫu thuật cho tới lúc tháo khung, đi lại bình thường (10-12 tháng). Trong thời gian này, bệnh nhân phải ở nhà nghỉ ngơi, cần sự hỗ trợ của người thân.
Do đó, chuyên gia khuyến cáo phương pháp này chỉ nên áp dụng với những người thực sự có nhu cầu như mắc bệnh lý hoặc chiều cao quá thấp.
“Chúng tôi thường nhận được những tâm sự tự ti của những người quá thấp như nữ dưới 1,45 m, nam dưới 1,65 m, gặp rất nhiều rào cản trong việc hòa nhập cộng đồng. Thậm chí, có người xin việc không ai nhận, không có người yêu, rồi bị châm chọc. Nếu đặt trong hoàn cảnh họ, việc phẫu thuật kéo dài chân rất ý nghĩa. Nhiều bệnh nhân đã có cuộc sống hạnh phúc sau khi có chiều cao mới”, PGS Đoàn kể.
Chuyên gia cũng cho hay phẫu thuật kéo dài chân không làm ảnh hưởng tuổi thọ của người thực hiện như nhiều người lầm tưởng. Tuy nhiên, sau khi kéo dài, các phần mềm (gân cơ, cơ, thần kinh, mạch máu, dây chằng) chưa đáp ứng kịp với tình huống mới ngay được. Do đó, bệnh nhân cần phải tập phục hồi chức năng một thời gian, nhanh hay chậm, tùy theo mỗi người và mức độ kéo dài.
Khi cơ xương khớp đã ổn định, tập luyện tốt, chi được kéo dài hoàn toàn khỏe mạnh, bệnh nhân đi lại, sinh hoạt chạy nhảy, đá bóng, leo núi bình thường.