Chánh thanh tra Hà Nội Nguyễn An Huy vừa ký, ban hành kết luận về trách nhiệm của UBND quận Hà Đông, phường Phú Lương và chủ đầu tư về để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng tại Công viên nước Thanh Hà.
Tại kết luận này, Thanh tra thành phố đã làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong cưỡng chế, xử lý sai phạm tại dự án này.
Chủ đầu tư chậm trễ, không giữ đúng cam kết
Ngày 27/11/2019, Phó chủ tịch UBND quận Hà Đông Nguyễn Quang Ngọc ký quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tại dự án này, buộc chủ đầu tư (Công ty Cienco5) phải tháo dỡ toàn bộ các hạng mục của công trình vi phạm tại ô đất A2.2-CCĐT 01, khu đô thị Thanh Hà, trong thời gian 15 ngày.
Sau đó, Cienco5 có văn bản đề nghị tự tháo dỡ công trình trả lại nguyên trạng của khu đất theo quy hoạch được duyệt, dự kiến triển khai từ ngày 6/12/2019 trong 15 ngày. Nhưng sau đó gần 2 tuần, Cienco5 mới tháo dỡ chóp mái che của 4 hạng mục, các hạng mục vi phạm khác chưa được tháo dỡ.
Chủ đầu tư Công viên nước Thanh Hà nhiều lần chậm trễ khắc phục hậu quả. Ảnh: Việt Linh. |
Cuối tháng 12/2019, UBND quận ra quyết định cưỡng chế buộc chủ đầu thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng không phép. Nhưng chủ đầu tư tiếp tục không thực hiện.
Vì vậy, đến ngày 31/12, quận Hà Đông ra quyết định chỉ định Công ty Tư vấn đầu tư phát triển An Phát lập phương án phá dỡ công trình sai phạm tại Công viên nước Thanh Hà. Phương án được đưa ra là dùng máy xúc tháo dỡ cả 19 hạng mục của công trình sai phạm.
Thanh tra thành phố nhận định việc chủ đầu tư chậm trễ tự nguyện tháo dỡ, khắc phục hậu quả, trả lại mặt bằng các hạng mục sai phạm theo quyết định của UBND quận Hà Đông là vi phạm Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Dùng máy xúc để phá dỡ công trình lắp ghép
Đối với chính quyền quận Hà Đông và phường Phú Lương, Thanh tra Hà Nội nhận định việc cưỡng chế tháo dỡ, khắc phục hậu quả còn nhiều tồn tại, vi phạm.
Trước 1 ngày tổ chức cưỡng chế, Chủ đầu tư đã có văn bản xin cam kết tháo dỡ theo yêu cầu của UBND quận Hà Đông, dự kiến hết quý I hoàn thành. Nhưng UBND phường (cơ quan chủ trì cưỡng chế) không lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện thi hành và không báo cáo UBND quận.
Thanh tra TP nhận định việc này vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 34 Nghị định số 156 của Chính phủ quy định: “Trước khi tiến hành cưỡng chế, nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tự nguyện thi hành thì cơ quan chủ trì cưỡng chế lập biên bản công nhận sự tự nguyện thi hành”.
Toàn bộ 19 hạng mục của công viên nước được tháo dỡ bằng máy xúc. Ảnh: Việt Linh. |
Ngoài ra, công viên nước bao gồm 19 hạng mục giá trị lớn (theo chủ đầu tư là hơn 142 tỷ đồng), trong đó có 7 hạng mục công trình có kết cấu khung thép, nhựa lắp ghép có thể tháo dỡ được.
"Tuy nhiên, UBND quận lại phê duyệt phương án phá dỡ theo đề xuất của Công ty An Phát (tháo dỡ bằng máy xúc) là thiếu thận trọng, dẫn đến dẫn đến tổ chức cưỡng chế phá dỡ cả 7 hạng mục này gây bức xúc cho nhà đầu tư, băn khoăn cho dư luận", kết luận nêu.
Thanh tra thành phố kiến nghị UBND Hà Nội xem xét, giải quyết đơn khiếu nại của Cienco5 về đối với thiệt hại vật chất do việc cưỡng chế, tháo dỡ Công viên nước Thanh Hà của chính quyền.
Trước đó, Cienco 5 có văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND Hà Nội kiểm tra, xử lý việc UBND quận Hà Đông thực hiện không đúng quy định của pháp luật về cưỡng chế hành chính, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng đối với doanh nghiệp.
Cienco5 thừa nhận sai phạm tại công trình này và cho biết do khối lượng công việc nhiều và các hạng mục lắp đặt, kỹ thuật tháo dỡ phức tạp, nên đề nghị UBND quận Hà Đông gia hạn xử lý, tháo dỡ các thiết bị kỹ thuật theo quy trình để đảm bảo thiết bị không hư hỏng. Tuy nhiên, kiến nghị này không được chấp nhận.
“Sau hai ngày thực hiện cưỡng chế, UBND quận Hà Đông đã thực hiện đập phá toàn bộ các hạng mục xây dựng trong khuôn viên công viên nước Thanh Hà. Toàn bộ tài sản mà công ty đầu tư hơn 200 tỷ đồng đều bị hủy hoại và không còn giá trị sử dụng…”, Cienco 5 cho biết.
Cienco 5 kiến nghị Thủ tướng xem xét, có ý kiến chỉ đạo UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND quận Hà Đông cùng doanh nghiệp xác định thiệt hại vật chất do hành vi thực hiện cưỡng chế không đúng quy định của pháp luật mà UBND quận Hà Đông gây ra và thực hiện việc bồi thường cho doanh nghiệp đúng quy định của pháp luật.
Tại kết luận này, Thanh tra Hà Nội cũng làm rõ các sai phạm nghiêm trọng của chủ đầu tư (Cienco5) là xây dựng không có giấy phép; xây dựng không đúng quy hoạch; sử dụng đất sai mục đích; chậm trễ tự nguyện tháo dỡ công trình vi phạm trả lại mặt bằng.
Tuy nhiên, ở phần kiến nghị, Thanh tra Hà Nội lại không kiến nghị xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư và cũng không đề cập đến trách nhiệm của đơn vị này khi Công viên nước Thanh Hà từng để xảy ra 2 vụ đuối nước khiến 2 trẻ em tử vong vào năm 2019.