Điều chỉnh thời gian thanh toán tiền hoặc điều chỉnh đồng thời thời gian thanh toán tiền, quỹ đất là 2 phương án được Tổ đàm phán phụ lục hợp đồng BT đề xuất tới UBND TP.HCM nhằm tháo gỡ vướng mắc dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).
Tổ đàm phán gồm các sở, ngành của TP.HCM như: Sở Tài chính, Sở GTVT, Ban hạ tầng đô thị, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Công ty Trung Nam là chủ đầu tư.
Sau cuộc họp, Tổ đàm phán đã kết luận việc thay đổi quỹ đất thanh toán cho chủ đầu tư và đề xuất phương án điều chỉnh hợp đồng BT còn 5 khu đất với tổng giá trị khoảng 1.800 tỷ đồng, thay vì 7 khu đất như phương án đưa ra hồi năm 2016.
Chủ đầu tư giải thích dự án kéo dài đã 7 năm với 3 lần bị tạm dừng, nếu tiếp tục điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT (bỏ quỹ đất), Ngân hàng BIDV sẽ không đồng ý, dự án tiếp tục dừng lần 4 và không biết ngày hoàn thành. Việc này, theo chủ đầu tư, sẽ phát sinh lãng phí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người dân.
Trong khi đó, phương án điều chỉnh đồng thời thời gian thanh toán tiền và quỹ đất có thể tạo sự đồng thuận giữa UBND TP.HCM và các bên để phụ lục hợp đồng BT được ký kết.
Cống Bến Nghé hoàn thành 85%, một trong 7 cống ngăn ngập nước do triều thuộc dự án. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM giai đoạn 1 gồm 7 hạng mục với 6 cống ngăn triều và 7,8 km đê kè ven sông Sài Gòn.
Đây là dự án trọng điểm của thành phố, góp phần hoàn thành chương trình đột phá “giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng”. Công trình được triển khai với mục tiêu ngăn triều cường và ứng phó biến đổi khí hậu cho khu vực rộng 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc bờ hữu sông Sài Gòn cùng trung tâm TP.HCM.
Dự án khởi công từ giữa năm 2016, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2018. Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và nguồn vốn khiến tiến độ hoàn thành dự án lùi lại 3 lần.
Hồi tháng 6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan yêu cầu chủ đầu tư dự án giải quyết ngập do triều tại TP.HCM phải hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng vào chậm nhất năm 2023.