Mới đây, thương hiệu trà và cà phê Phúc Long hé lộ những hình ảnh đầu tiên về cửa hàng tại Garden Grove (California, Mỹ). Hãng cho biết điểm bán này sẽ khai trương trong tháng 7.
Theo ông James Dương Nguyễn, Tổng giám đốc Dcorp R-Keeper Việt Nam, đây là bước ngoặt rất lớn của Phúc Long trong năm nay. "Chiến lược của họ ngày càng cởi mở hơn sau khi hợp tác với Masan để mở rộng trong nước", ông nhìn nhận.
"Cửa sáng" cho F&B
Cuối tháng 5, TNI King Coffee cũng cho biết quán cà phê đầu tiên tại Mỹ đã chính thức đi vào hoạt động tại 321 W Katella Ave Ste 142 Anaheim, CA92802. Cửa hàng nằm trong khu vực sầm uất Anaheim GardenWalk, trung tâm mua sắm và giải trí ngoài trời phía đông của Disney Resort với nhiều nhà hàng và cửa hiệu lớn.
Cửa hàng TNI King Coffee Mỹ trong ngày khai trương. Ảnh: TNI King Coffee. |
"Tuy không phải thời điểm vàng để các chuỗi F&B nhân rộng ồ ạt, với tình hình dịch bệnh trong nước đang diễn biến phức tạp và tỷ lệ người dân được tiêm vaccine chưa cao, việc xuất ngoại sẽ là một cửa sáng để họ đi tiếp", ông James Dương Nguyễn đánh giá.
Cũng theo vị chuyên gia này, câu chuyện "xuất ngoại" còn mang tín hiệu tích cực về mặt truyền thông bởi hiện tại, các chuỗi F&B hầu như đều đang "đóng băng".
“Khai trương quán đầu tiên tại Mỹ đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ của TNI King Coffee trên thị trường thế giới", bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Nhà sáng lập kiêm CEO thương hiệu này khẳng định.
Theo quan sát của ông James Dương Nguyễn, việc mở cửa hàng tại Mỹ của TNI King Coffee không có gì đáng lạ, bởi cà phê mang thương hiệu này đã xuất khẩu sang rất nhiều nước, trong đó Mỹ là một thị trường lâu năm. Cửa hàng sẽ giúp họ giới thiệu sản phẩm và văn hóa cà phê Việt Nam.
Thực tế, Mỹ là thị trường đầu tiên mà bà Lê Hoàng Diệp Thảo chọn để ra mắt thương hiệu cách đây 5 năm. Hiện doanh nghiệp cũng đã mở văn phòng tại Mỹ để thuận tiện giao dịch với các đối tác ở đây.
Trong khi đó, với Phúc Long, một chuyên gia khác trong ngành nhìn nhận thương hiệu có uy tín tốt với Việt kiều, do đó việc xuất hiện ở Mỹ sẽ thuận lợi. "Nếu thành công, hãng này cũng có thể thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm trà và cà phê đóng gói", vị này nhận xét.
Ông James Dương Nguyễn cũng phân tích, một trong những lý do Phúc Long lựa chọn bang California làm nơi đặt chân đầu tiên cũng bởi đây là một trong những nơi có nhiều người Việt sinh sống nhất tại Mỹ.
Cửa hàng Phúc Long đầu tiên ở Mỹ được đặt tại Garden Grove, California. Ảnh: Phúc Long. |
Nhìn rộng ra toàn thị trường Mỹ, hiện đây là quốc gia được đánh giá thành công nhất trong chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 và đang dần khôi phục lại kinh tế và các ngành dịch vụ. Đây cũng là một thị trường rộng lớn và thường được coi là khó tính.
Bởi lẽ đó, việc mở cửa hàng tại Mỹ không chỉ thuận lợi hơn mà còn mang đến nhiều lợi thế về danh tiếng, truyền thông, nâng tầm thương hiệu hơn.
Một cơ hội khác, theo ông James Dương Nguyễn, là Mỹ không trồng cà phê, nên đây là nơi tiêu thụ và nhập khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Phần lớn người Mỹ có thói quen uống cà phê hàng ngày. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ hai, đã thâm nhập thị trường Mỹ cách đây vài năm và đạt nhiều tín hiệu tích cực.
"Trong thời gian phải ở nhà do dịch Covid-19, nhiều người dân Mỹ đã có thời gian làm quen với các sản phẩm cà phê hòa tan Việt Nam hay văn hóa uống trà tại nhà như một cách để giải tỏa căng thẳng", ông nói thêm.
Làm sao để "xuất ngoại" thành công?
Tuy nhiên, không phải đến bây giờ các chuỗi cà phê mới tính đến chuyện "xuất ngoại". Từ năm 2018 đến nay, Cộng Cà Phê liên tục khai trương và duy trì hiệu quả 6 cửa hàng ở Hàn Quốc và 2 cửa hàng ở Malaysia.
Còn Trung Nguyên E-Coffee, dù là thương hiệu "sinh sau đẻ muộn" cũng đã nhanh chóng có điểm bán ở Lào và đang mong muốn tiếp tục mở rộng chuỗi nhượng quyền tại đây.
Mặc dù vậy, người anh em cùng nhà là Trung Nguyên Legend lại từng thất bại với một số cửa hàng nơi đất khách.
Điều các doanh nghiệp nên cân nhắc nhất là sự phù hợp với văn hóa và thói quen người tiêu dùng bản địa
Ông James Dương Nguyễn, Tổng giám đốc Dcorp R-Keeper Việt Nam
"Tôi không cho rằng đây là một xu hướng, bởi mỗi thương hiệu trước khi làm điều này đều nghiên cứu và tính toán kỹ lưỡng.
Những yếu tố mới, lạ có thể chỉ thu hút khách hàng trong thời gian đầu và không mang lại hiệu quả kinh doanh bền vững", ông James Dương Nguyễn nêu quan điểm.
Chính vì vậy, ông nhìn nhận điều các doanh nghiệp nên cân nhắc nhất là sự phù hợp với văn hóa và thói quen người tiêu dùng bản địa.
Đánh giá về cách triển khai bước đầu của Phúc Long, vị chuyên gia cho rằng thiết kế cửa hàng thân thuộc với người Việt, phần nào gợi nhớ về quê nhà. Còn chiến lược về sản phẩm, giá cả chưa được tiết lộ.
Trong khi đó, không gian quán cà phê đầu tiên của TNI King Coffee tại Mỹ lại được thiết kế kết hợp giữa văn hóa Đông-Tây, đồng thời có thêm khu vực bán mang đi phù hợp với văn hóa người Mỹ.
Tại đây, thương hiệu cà phê của bà Lê Hoàng Diệp Thảo phục vụ tất cả loại cà phê truyền thống của Việt Nam như cà phê phin, cà phê đá, cà phê sữa đá..., bên cạnh phở và bánh mì đặc trưng.
Nhưng trên tất cả, theo ông James Dương Nguyễn, đây là niềm tự hào của bất kỳ chủ đầu tư nào trong ngành trà và cà phê. "Họ đều có chung khát vọng mang thương hiệu Việt Nam ra quốc tế", ông nói.