Trao đổi với Zing, ông Lê Văn Nghĩa - Giám đốc Công ty CP Du lịch Nhật Minh - dùng từ "mơ hồ" để nói về kế hoạch đón khách quốc tế ở Phú Quốc.
"Phú Quốc thông báo đón khách quốc tế từ tháng 9, không được lại dời qua tháng 10, nay lại chuyển sang tháng 11, nếu mai mốt lại dời qua tháng 12 hay tháng 1 năm sau thì chúng tôi biết làm sao? Như Vân Đồn có kế hoạch từ tháng 7 nhưng đến nay mới bay được vài chuyến thí điểm", ông Nghĩa phân vân.
Theo ông Nghĩa, đến nay Chính phủ và cơ quan quản lý chưa ban hành quyết định và hướng dẫn chi tiết, do đó doanh nghiệp của ông không dám là "người tiên phong" trong việc đón khách đến Phú Quốc.
Giám đốc Công ty Nhật Minh nhấn mạnh chỉ khi Chính phủ đưa ra quyết định áp dụng hộ chiếu vaccine ở Phú Quốc, đồng thời các bộ, ngành có văn bản hướng dẫn cụ thể thì mới có thể quảng bá, bán tour cho khách và thuê máy bay.
Doanh nghiệp chưa dám quảng bá tour Phú Quốc cho khách quốc tế. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Còn nhiều vướng mắc
"Ký hợp đồng thuê máy bay xong phải đặt cọc, trước khi bay 1 tuần phải thanh toán đủ 100%, không bay được thì mất tiền nên tôi chưa dám làm. Giờ bán tour cho khách, sau này có gì không đền nổi. Có thể sang đến tháng 12, đợi tình hình ổn định, có doanh nghiệp đã triển khai trước rồi tôi mới làm, không vội vàng để tránh rủi ro", ông Nghĩa giải thích.
Không riêng gì Nhật Minh, một cơ sở lưu trú có trong danh sách dự kiến được đón khách cũng cho biết đang chờ hướng dẫn chi tiết từ cơ quan chức năng. "Chúng tôi đã sẵn sàng về cơ sở hạ tầng dịch vụ, gói sản phẩm và kết nối với các đối tác lữ hành, hàng không, dịch vụ khác, nhưng triển khai thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc", đại diện cơ sở này chia sẻ.
"Ví dụ như trong 3.000-5.000 khách/tháng trong giai đoạn 1 đến Phú Quốc thì chúng tôi được đón bao nhiêu người, hay quy trình, yêu cầu cụ thể trong tiếp đón, phục vụ khách ra sao...", người này cho biết thêm.
Theo vị này, chỉ xét về lượng khách đã là một vấn đề cần phải thống nhất hài hòa. Ngày 22/10, Hội Đầu tư Phát triển Du lịch Phú Quốc có văn bản đề nghị không giới hạn số lượng khách quốc tế đến đảo ngọc trong thời gian thí điểm. Lý do là doanh nghiệp lữ hành phải thuê chuyến bay charter, nếu giới hạn sẽ khiến điều kiện kinh doanh kém hiệu quả.
Đã nhiều tháng trôi qua kể từ khi chúng ta nói về 'hộ chiếu vaccine' tại Phú Quốc, nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức và hướng dẫn bài bản cho doanh nghiệp
Đại diện một doanh nghiệp du lịch hoạt động tại Phú Quốc
Tuy nhiên, từ phía một đơn vị cung ứng dịch vụ, việc mở cửa thoải mái chưa hẳn đã an toàn vì công suất lưu trú, vận chuyển, ăn uống ở Phú Quốc chưa chắc đã đáp ứng được trong điều kiện phải giãn cách.
Bên cạnh đó, khi lượng khách đến đông, năng lực y tế còn hạn chế cũng là một rào cản. Đây cũng là lý do Phú Quốc cần quy hoạch cụ thể các điểm điều trị Covid-19 để đảm bảo an toàn cho du khách cũng như người dân địa phương và ngành du lịch.
"Chúng tôi đang rất 'khát' doanh thu, nhưng an toàn vẫn là trên hết, phải thí điểm thành công thì mới có thể phục hồi và triển khai ở các điểm đến khác nữa. Do đó câu hỏi đặt ra lúc này là các đơn vị phối hợp đón và phục vụ khách như thế nào", đại diện một doanh nghiệp giãi bày.
"Đã nhiều tháng trôi qua kể từ khi chúng ta nói về 'hộ chiếu vaccine' tại Phú Quốc, nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức và hướng dẫn bài bản cho doanh nghiệp", vị đại diện này nhấn mạnh.
Trả lời Zing xoay quanh những vướng mắc này, ông Bùi Quốc Thái - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang - cho rằng kế hoạch chỉ là dự kiến, quá trình triển khai còn tùy thuộc thực tế. Và đến nay, các hướng dẫn chi tiết vẫn còn trong dự thảo của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTTDL).
Chỉ cần mở cửa là sẽ có khách
Chia sẻ với Zing, bà Trần Nguyện - Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Sun World (thuộc Sun Group) - bày tỏ mong muốn Việt Nam sớm có một quy trình đón khách quốc tế thống nhất, rõ ràng và tinh gọn nhất có thể, với các thủ tục được giản tiện tối đa nhưng vẫn đảm bảo an toàn.
Trên cơ sở đó, du khách mới có được những trải nghiệm thoải mái, dễ chịu, còn doanh nghiệp cũng được tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý.
Lấy dẫn chứng các mô hình mở cửa du lịch đang được áp dụng tại Singapore và Thái Lan, bà cho rằng Việt Nam đi sau nên có thể nghiên cứu, ứng dụng các chính sách, công nghệ mới nhất từ các quốc gia này để đẩy nhanh tiến độ hồi phục ngành du lịch.
Trong dự thảo mới nhất về hướng dẫn tạm thời việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, Bộ VHTTDL đưa ra quy trình đón và phục vụ khách quốc tế, trong đó yêu cầu du khách xét nghiệm Covid-19 trước chuyến bay, vào ngày đầu tiên đến, khuyến khích 2-3 ngày/lần trong thời gian lưu lại và vào ngày thứ 7 nếu tour dài hơn 7 ngày.
Các doanh nghiệp đã sẵn sàng phương án đón khách quốc tế trở lại Phú Quốc. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ phải đăng ký và cam kết với chính quyền địa phương về đảm bảo các phương án phục vụ khách an toàn và phương án xử lý sự cố phát sinh.
Theo đại diện Vinpearl, bên cạnh tuân thủ hướng dẫn của UBND tỉnh Kiên Giang và Bộ VHTTDL, doanh nghiệp cũng đưa ra bộ tiêu chuẩn an toàn nâng cao. Cụ thể, toàn bộ nhân viên tại Phú Quốc United Center đều được bố trí "3 tại chỗ", khoanh vùng các bước sinh hoạt, theo dõi tất cả lịch trình tiếp xúc và kiểm tra thân nhiệt vào đầu và cuối ngày làm việc.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cho ra mắt ứng dụng "Quản gia thông minh" để hỗ trợ tư vấn, giải đáp thắc mắc của khách hàng nhằm nâng cao trải nghiệm của du khách và hạn chế tiếp xúc trực tiếp.
Việt Nam đi sau nên có thể nghiên cứu, ứng dụng các chính sách, công nghệ mới nhất từ Singapore, Thái Lan để đẩy nhanh tiến độ hồi phục ngành du lịch
Bà Trần Nguyện, Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Sun World (thuộc Sun Group)
Tương tự, Sun World cũng tăng cường các biện pháp phòng dịch ở cấp độ cao hơn, đồng thời tranh thủ thời gian ngừng đón khách để xây dựng, làm mới toàn bộ công trình khách sạn, khu vui chơi giải trí và chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ mới.
Riêng tại Phú Quốc, doanh nghiệp cho biết sẽ thử nghiệm ứng dụng dịch vụ không chạm và một chạm khi đặt phòng và dịch vụ tại JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay, New World Phu Quoc Resort... Những ứng dụng này dự kiến được hoàn thiện và đi vào vận hành vào quý I/2022.
Còn với các doanh nghiệp lữ hành, họ khẳng định chỉ cần mở cửa là có khách, bởi lẽ du khách quốc tế cũng đang "khát" đi du lịch Việt Nam. Ông Lê Văn Nghĩa cho biết đơn vị dự kiến bay một chuyến mỗi ngày tới từng điểm đến như Nha Trang, Phú Quốc, với khoảng 200 khách/chuyến bay charter.
Số lượng có thể tăng lên ở giai đoạn 2 của quá trình thí điểm. Thậm chí, nếu một đối tác hàng không khác của Nhật Minh được cấp phép bay đến Việt Nam trong thời gian tới, những con số này còn có thể cao hơn.
Trong khi đó, Công ty Anex Việt Nam, Công ty TNHH Lữ hành Pegas Việt Nam, Công ty TNHH Crystal Bay Intourist... cũng đã lên kế hoạch sẵn sàng đưa hàng chục nghìn du khách đến Việt Nam nghỉ dưỡng thời gian tới.