Bén duyên với nghề may, trong 6 năm vừa làm việc, vừa tích lũy kinh nghiệm, hiện chị Như Hoa là chủ sở hữu xưởng may Hoa Như, sản xuất mặt hàng may sẵn cho các cửa hàng thời trang tại thành phố Vinh, Nghệ An. Dự án Xưởng may cho người khuyết tật của chị Trần Thị Như Hoa với những ý nghĩa thiết thực từ tạo việc làm cho người khuyết tật đến tận dụng sáng tạo những mẩu vải vụn, vải thừa để làm ra những sản phẩm đẹp mắt đã xuất sắc đoạt giải Ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng, bảo vệ môi trường tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020” do nhãn hàng Sunlight, Unilever Việt Nam tài trợ. |
Ít ai biết, chủ sở hữu xưởng may với quy mô hơn 10 nhân sự, tạo thu nhập từ 5 đến 9 triệu đồng cho những phụ nữ khuyết tật cũng mang khiếm khuyết về cơ thể. Vượt lên chính mình, người phụ nữ ấy không những đã làm kinh tế thành công, tự chủ trong cuộc sống, mà còn trao cơ hội cho nhiều phụ nữ khác, để họ tiếp tục thực hiện giấc mơ đang dang dở, cống hiến cho xã hội và chứng minh phụ nữ khuyết tật không phải là “gánh nặng” của cộng đồng. |
Phụ nữ làm kinh tế vốn đã nhiều khó khăn. Với phụ nữ khuyết tật, khó khăn còn nhân lên gấp bội. Bởi vậy, nếu thiếu bản lĩnh, thử thách sẽ khó thể vượt qua. Tin tưởng vào sức mạnh của bản thân, rèn luyện bản lĩnh trước sóng gió cũng chính là cách giúp chị Như Hoa vươn lên thành công, trở thành tấm gương cho nhiều phụ nữ khác đang ấp ủ dự định làm kinh tế. |
Ấp ủ làm trang trại dâu tây từ tuổi đôi mươi, chị Dung dành toàn bộ những gì mình có để biến ước mơ thành hiện thực. Song, hai mùa vụ thất bại, chị mất trắng… Tất cả không làm người phụ nữ 23 tuổi chùn bước. Từ shipper đến bán hàng online, việc gì chị cũng làm với mong muốn tích lũy để tiếp tục giấc mơ đang dang dở. Đáp lại niềm đam mê cháy bỏng và lòng kiên trì ấy, Hợp tác xã rau quả Thắng Lợi ra đời, ngày càng được nhiều người biết đến và trở thành một trong 2 dự án do nhãn hàng Sunlight (Unilever Việt Nam) đồng hành, tài trợ đoạt giải Ứng dụng công nghệ nhằm thích ứng, bảo vệ môi trường tại cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020”. |
“Mình còn trẻ, nếu không làm thì bao giờ làm?” - câu nói của chị Kim Dung tại buổi tập huấn “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” tổ chức tại TP. Lào Cai ngày 24/11 như một lời thức tỉnh đến hơn 200 phụ nữ khác tham dự sự kiện. Theo chị Dung, phụ nữ làm kinh tế có thể gặp khó khăn, nhưng cùng với đó là những thuận lợi mà phái mạnh không có được, đó chính là sự mềm mỏng, khéo léo và linh hoạt. Bởi vậy, bất kể ước mơ của bạn là gì, chỉ cần nuôi dưỡng đam mê đủ lớn, khát khao đủ nhiều và kiên định thì chắc chắn sẽ thành công. |
Sau 5 năm khởi nghiệp và bước đầu thu về trái ngọt, chị Kim Dung khẳng định rào cản lớn nhất của phụ nữ khi làm kinh tế đó chính là không vượt qua nỗi sợ của bản thân và suy nghĩ thiếu tích cực. Phụ nữ cần một cú hích thúc đẩy sâu và thực hơn, không chỉ về nguồn lực vốn hay kỹ thuật, mà quan trọng nhất là giải phóng rào cản về tâm lý. Và “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” một chương trình thiết thực, giúp chị em tham gia có cách nhìn mới và sâu hơn về việc bản thân có thể tự chủ, làm kinh tế. |
Giải phóng tiềm năng và đồng hành cùng sự phát triển của phụ nữ là một trong những sứ mệnh của Sunlight, Unilever ngay từ ngày đầu thành lập. Thương hiệu này tin rằng mỗi phụ nữ Việt đều ẩn chứa tiềm năng riêng và vị trí của người phụ nữ không chỉ dừng lại ở căn bếp mà họ có thể đóng góp nhiều hơn cho gia đình và xã hội. Đó cũng lý do Sunlight đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam mang chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” nhằm truyền cảm hứng và hỗ trợ vốn cho 1.000 dự án phụ nữ khởi sự kinh tế tại 10 tỉnh thành trên khắp dải đất hình chữ S. |
Chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế” do Sunlight phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai, nhằm khuyến khích phụ nữ phát huy tiềm năng và mang đến cơ hội làm kinh tế cho phụ nữ nông thôn. Trong năm nay, chương trình có mặt tại 10 tỉnh thành, hướng đến mục tiêu 2.000 phụ nữ được truyền cảm hứng, đào tạo kỹ năng kinh doanh và hỗ trợ vốn cho các dự án tiềm năng.