Hàng trăm nghìn người đã đổ xuống đường biểu tình vào ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 vừa qua. Trong đó, nhiều cuộc biểu tình đã trở thành bạo loạn và đối đầu giữa cảnh sát và người tham gia. Trong ảnh, cảnh sát chống bạo loạn cản người biểu tình ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 8/3. Ảnh: AFP. |
Pháp là một trong những quốc gia có phong trào biểu tình sôi động nhất trong ngày 8/3. Ảnh: AFP. |
Bạo lực giới là một vấn đề nan giải từ lâu tại Pháp. Vào tháng 11/2019, hàng chục nghìn người đã xuống đường ở Paris và các thành phố khác của Pháp để biểu tình phản đối tình trạng bạo lực gia đình, sau khi hơn 130 phụ nữ được cho là đã bị bạn đời giết chết tại nước này trong năm 2019. Trong ảnh, một người biểu tình cầm tấm biển ghi "nạn phân biệt giới giết chết nhiều người hơn virus corona". Ảnh: Reuters. |
Tại thủ đô Paris, hàng loạt nhà hoạt động đã để ngực trần, cầm biểu ngữ xuống đường biểu tình thể hiện sự phản đối với cái họ gọi là "đại dịch gia trưởng". "Chúng tôi đang làm một cuộc cách mạng", người biểu tình hô vang. Ảnh: AFP. |
Những người phụ nữ tham gia biểu tình thuộc nhóm nữ quyền Femen. Họ không mặc áo để thể hiện những khẩu hiệu nữ quyền được viết trên cơ thể. Những người phụ nữ này cũng cầm bảng hiệu và bắn đạn khói tím vào không trung trong cuộc biểu tình tại quảng trường Concorde, Paris. Cảnh sát tại đây bị cáo buộc dùng vũ lực trấn áp người biểu tình và bắt giữ 9 người tham gia. Ảnh: AFP. |
Thành viên của nhóm "Protest for everyone" xuống đường biểu tình ở Paris hôm 8/3. Thị trưởng Paris Anne Hidalgo cho biết bà đã bị sốc trước tình trạng bạo lực "không thể hiểu nổi" và bày tỏ sự ủng hộ với những người biểu tình. Ảnh: AFP. |
Nhiều quốc gia Mỹ Latin cũng chứng kiến làn sóng biểu tình vào ngày này. Tại Brazil, phụ nữ ở xuống đường tuần hành thể hiện sự phản đối các chính sách của Tổng thống Jair Bolsonaro. "Chính sách của chính phủ đã tước đi quyền lợi của lao động nữ", Marcela Azevedo, 35 tuổi, cùng nhóm Women in Combat tham gia biểu tình, nói với AFP. Trong ảnh, người biểu tình xuống đường ở Caracas, Venezuela hôm 8/3. Ảnh: Reuters. |
Tại Mexico, nơi từ lâu đã có phong trào phản đối bạo lực với phụ nữ, hôm 8/3 cũng diễn ra cuộc biểu tình với quy mô kỷ lục. Đám đông diễu hành qua thủ đô của nước này trong bối cảnh một loạt vụ giết người xảy ra trong thời gian gần đây. "Tôi xuống đường biểu tình cho nhiều cô gái mất tích và để nói lên tiếng nói của mình", Blanca Martinez, 47 tuổi, có con dâu bị sát hại, nói. Ảnh: AP. |
Một người phụ nữ đeo khẩu trang tham gia biểu tình tại Manila, Philippines hôm 8/3. Tại nhiều nước châu Á, bất chấp lo ngại dịch Covid-19 đang lây lan nhanh, người dân vẫn đổ xuống đường tuần hành. Tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Bình đẳng giới Lee Jung Ok nói qua video trực tuyến: "Mặc dù chúng ta không thể trực tiếp sát cánh bên nhau, nhưng chúng ta có cùng ý chí về thực hiện bình đằng giới một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết". Ảnh: Reuters. |
Người biểu tình tại Lahore, Pakistan hôm 8/3. Một số người tham gia biểu tình tại đất nước này đã bị tấn công bằng đá và gậy. Động thái cho thấy thách thức của phong trào nữ quyền trong một xã hội vẫn trói buộc người phụ nữ bằng nhiều truyền thống để bảo toàn "danh dự". Ảnh: AFP. |
Trong khi đó, cuộc biểu tình ở Santiago, Chile có đến 150.000 người tham gia. Biểu tình nhanh chóng trở thành cuộc đụng độ khi cảnh sát sử dụng hơi cay và vòi rồng để ngăn chặn đám đông tiến về dinh tổng thống. Nhiều người phụ nữ đội khăn trùm đầu màu xanh lá cây, tượng trưng cho cuộc đấu tranh đòi quyền phá thai. Ảnh: AFP. |